> Chuyện cô thợ xây trở thành nhà thơ
> Nghèo
Vâng, heo may hiền hậu, chỉ se se thôi mà cảm giác đã khác. Mùa đông hiện hữu trên làn da. Đêm đông hiện hữu trong tâm hồn. Vì thế mà mùa đông rất đẹp. Một cái đẹp “xung hàn”...
Trên đường phố đã phả heo may. Đôi mắt em long lanh hơn, má em ửng đỏ. Và chút lạnh sững sờ hôn lên môi mọng. Có thể mọng quá sẽ nứt nẻ, nên hoa mai chúm chím cười. Và bờ vai gầy thả xuống chiếc khăn len hờ hững.
Chạnh nhớ đôi vai miền Trung lũ chồng lũ chất, gánh mọi sức nặng cho quang thúng phù sa đựng hai vựa lúa: vựa lúa đồng bằng Bắc bộ và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Thương thay chiếc đòn gánh nhỏ hẹp, mẹ lặn lội bươn chải mà thành gạo thành cơm nuôi con người khôn lớn. Mới biết cái lớn khôn của chúng ta đã được mẹ cha trả giá bằng mồ hôi nước mắt...
Và nghẹn ngào làm sao, khi có kẻ vô tâm đáp lại giọt mồ hôi nước mắt ấy bằng những bao quần áo cũ, rách nát, tanh hôi. Gói mì tôm đã quá sơ sài, nhưng cũng còn ân nghĩa, chứ ai lại bội bạc như thế? Lại còn có nhà doanh nghiệp cao hứng, hứa này hứa nọ rồi lại mau chóng quên đi.
Cái đạo lý dây bầu dây bí mà cha ông đã dạy, là đùm bọc nhau chứ không phải ban cho. Làm người ắt phải hiểu, chỉ một cơn gió thoảng qua thì đời người có còn lại gì đâu, ngoài tình nghĩa yêu thương và chia sẻ !(?)
May quá, gió heo may đã về, nhưng lòng ta lại thấy ấm áp hơn. Miền Trung khắc phục bão lũ, nắng vàng se se rớt xuống bờ bãi. Muộn phiền sẽ nhanh chóng qua đi. Và em thơ sẽ được manh áo mới. Mẹ già cố giữ miếng trầu cay. Còn em - những con đường Đà Lạt, em đẹp như mùa thu ở giữa mùa đông. Có lẽ vì vậy mà nắng ngọt cứ chảy trào lên cây lá, óng ánh tiếng chuông xa.
Đây đó, áo choàng muôn sắc cho thành phố đẹp. Cổ dài, tóc ngắn. Tấm khăn choàng như cột một niềm xao xuyến, bay xéo quanh cổ trắng ngà. Và làn sương ngủ muộn vây quanh những ngọn đồi, không cho gió tạt vào hất những giọt sương mai trên cỏ. Cơn gió lại lùa qua ta, xen trong kẽ tay, lướt nhẹ qua mắt, qua môi cho ta nếm thử phong vị của lập đông là gì.
Bỗng câu hát ai đó vang lên : “ Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi...”. Đấy, dơi còn có thể ngủ vùi sinh lý, nhưng con người vẫn thức. Thức với gió để cảm nhận tuổi đời. Thức với heo may để trải nghiệm nỗi nhớ. Thức với không gian để hiểu cái lạnh thấm sâu vào mặt đất. Thức với mặt đất để hiểu sức mạnh của cỏ. Cỏ chính là tuổi xuân thì, là chiếc áo của mặt đất hoang vu...
Gió. Gió là hơi thở, là sinh khí, là sinh lực dồi dào mang lại màu xanh cho quả đất. Đừng ai góp tay làm thay đổi ngọn gió, bão lũ sẽ ập đến bất thường. Khí hậu thời tiết thay đổi chính là thay đổi ngọn gió. Phát triển kinh tế kèm theo tàn phá rừng là điều đau xót! Rồi đây ngọn gió sẽ thổi sai lệch mùa màng.
Gió may không còn thổi sẽ là gió rủi. Rủi ro và thiên tai là điều không ai muốn, nên đầu năm ta hãy trồng một cây xanh cho vườn thêm một chiếc lá, ngọn đồi thêm một chiếc nón, và con đường thêm một bóng mát... Cả đất nước là một dải non xanh, bạt ngàn xứ sở...
Gió heo may đã về trong câu thơ Nguyễn Du hoa đào năm ngoái còn cười gió đông sẽ khiến đất nước đẹp hơn, người người hạnh phúc đón năm mới...
Tản văn của Nguyễn Thánh Ngã