> Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất
1. Đạo văn của Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng.
2. Âm mưu giật giải.
Xin nói về chuyện đạo văn trước.
Tôi “đạo văn” của Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng ở câu nào? Bài nào?
Bộ ba sách Đào Tấn gồm:
- Đào Tấn Thơ và Từ
- Đào Tấn tuồng hát Bội
- Đào Tấn qua thư tịch
là kết quả của 3 lần Hội nghị về Đào Tấn gộp lại mà biên khảo tập thành. Quá trình đó suốt 30 năm ròng. Cho nên mới gọi nó là công trình của “30 năm một chặng đường nghiên cứu Đào Tấn”.
Công trình bộ 3 sách Đào Tấn là kế thừa các tập “Thơ và Từ Đào Tấn” in năm 1987, “Tuồng hát Bội của Đào Tấn” (tập I và II) in năm 1987, “Kỷ yếu Hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần thứ nhất”, “Thư mục – Tư liệu về Đào Tấn” in năm 1985 vân vân…
Riêng tập “Thơ và Từ Đào Tấn” in năm 1987 vì lần đầu tiếp xúc với Thơ và Từ của Đào công nên chúng tôi còn quá non yếu, việc biên soạn còn nhiều sai sót, lần in chung trong công trình này sửa chữa khá nhiều.
Ngay khi in xong “Đào Tấn Thơ và Từ tập I” tôi mới phát hiện ra hai chỗ sai, tôi phải nói kỹ ở lời “ghi sau” của bộ sách (cuốn thứ 3 – “Đào Tấn qua thư tịch”). Đây là kế thừa chứ không phải tái bản.
Toàn bộ tư liệu về Đào Tấn đều do tôi sưu tầm, phiên âm và dịch nghĩa, chẳng lẽ tôi đi ăn cắp văn của tôi? Tiền bạc thì tôi có thiếu chứ chữ nghĩa cũng đủ dùng.
Còn nói về “âm mưu giật giải” thì đối với tôi, làm nghiên cứu, viết văn không phải lấy đó làm mục đích, làm cứu cánh, tác giả Minh Tâm chớ nên “lấy bụng ta suy ra bụng người”. Mọi việc chờ ra ánh sáng.
Quy Nhơn ngày 25-02-2012