Đối diện án tù vì buôn mỳ chính giả, thu lời 10.000 đồng

Bị cáo Đào Thị Lương tại tòa.
Bị cáo Đào Thị Lương tại tòa.
TPO - Bị cáo khai, mua mỳ chính về sử dụng trong đám cưới của con trai nhưng không hết nên mang ra chợ bán. Khi có người mua nhiều hơn, bị cáo lấy mỳ chính từ cửa hàng cạnh đó để bán lại, thu lời 500 đồng/gói...

Thu lời bất chính 10.000 đồng

Chiều 17/10, TAND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) xét xử sơ thẩm bị cáo Đào Thị Lương (SN 1961, ở Ba Vì, Hà Nội) về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.

Theo truy tố, bà Lương vốn bán hàng khô tại chợ Mộc (Ba Vì) đã nhiều năm. Ngày 18/12/2016, một phụ nữ tên Hồng tới cửa hàng của bị cáo mua một số hàng khô và mỳ chính.

Về số mỳ chính, Lương có trong cửa hàng loại Ajnomoto gồm 3 gói nặng 454 gam giá 22.000 đồng/gói và 2 gói nặng 140gam giá 8.000 đồng/gói. Bị cáo nói với Hồng: “Loại này không đủ cân đâu, em về liệu mà bán”, ý nói đây là mỳ chính giả.

Tuy vậy, Hồng vẫn muốn mua thêm mỳ chính loại 140gam nên Lương sang cửa hàng của bà Nguyễn Thị Tuyên để mua 18 gói Ajinomot loại 140 gam và 1 gói Miwon loại 100gam với giá 7.500 đồng/gói. Sau đó, Lương mang về, bán lại cho Hồng với giá 8.000 đồng/gói.

Ngoài ra, chị Hồng còn mua thêm một số hàng hóa khác với tổng số tiền 704.000 đồng, thanh toán trước 500.000 đồng. Hồng đã thuê chị Nhung - con dâu bị cáo Lương chở toàn bộ số hàng này tới xã Tản Lĩnh (Ba Vì). Khi chị Nhung tới nơi, Hồng lại yêu cầu chở số hàng này tới thị xã Sơn Tây sẽ có người tới nhận và giao tiền còn lại.

Trong lúc này, anh Vũ Thanh Xuân làm xe ôm tại thị xã Sơn Tây được một phụ nữ không quen biết thuê nhận hàng từ Nhung. Khi anh Xuân và chị Nhung đang giao nhận hàng đã bị Công an thị xã Sơn Tây kiểm tra, tịch thu số mỳ chính giả.

Ngày 19/12/2016, công an bắt giữ Đào Thị Lương và khám xét nơi ở của người phụ nữ, tịch thu thêm 4 gói mỳ chính Ajnomoto khác. Kết quả giám định thể hiện, toàn bộ số mỳ chính “qua tay” bà Lương đều là hàng giả

Với chị Nhung - con dâu bị cáo Lương và anh Vũ Thanh Xuân dù vận chyển giúp nhưng không biết trong hàng hóa có mỳ chính giả nên không bị xử lý. Quá trình điều tra, gia đình bị cáo Lương đã khắc phục hậu quả 510.000 đồng gồm 10.000 đồng tiền lãi từ bán mỳ chính giả, 500.000 đồng người tên Hồng đã trả cho Lương.

Ngoài vụ việc trên, trong giai đoạn điều tra, Đào Thị Lương khai đã 5 lần mua mỳ chính giả từ Nguyễn Thị Tuyên để bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, bà Tuyên không thừa nhận nên cơ quan điều tra đã tách hồ sơ xử lý sau. Công an cũng đề nghị nhà mạng Viettel xác minh số điện thoại của người phụ nữ tên Hồng nhưng chưa được trả lời.

Đối diện án tù vì buôn mỳ chính giả, thu lời 10.000 đồng ảnh 1

Các luật sư cho rằng, bị cáo phạm tội năm 2016 lúc pháp luật chưa quy định buôn mỳ chính giả là tội phạm.

Không phạm tội?

Tại tòa, bà Lương thay đổi lời khai, nói mình chỉ bán các loại bánh, đỗ, lạc... và không bán mỳ chính. Trước khi bán cho Hồng, bà mua 8 - 9 gói mỳ chính các loại từ nhà Nguyễn Thị Tuyên để làm đám cưới cho con trai. Sau đó, do không sử dụng hết nên bà mang ra sạp hàng đồ khô của mình để bán và người mua là phụ nữ tên Hồng - đây là lần duy nhất bà bán mỳ chính.

Tuy nhiên, đại diện VKSND cho rằng việc bị cáo thay đổi lời khai không phù hợp với tài liệu, chứng cứ của vụ án. Hành vi của Đào Thị Lương là nguy hiểm cho xã hội nên kiểm sát viên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo từ 24 đến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bảo vệ bị cáo Lương, các luật sư Trương Tiến Dũng và Nguyễn Thế Kỷ nêu quan điểm, việc mua bán mỳ chính đã xong tại huyện Ba Vì, việc chị Nhung chở về Sơn Tây không liên quan đến hành vi mua bán giữa bà Lương và Hồng nên thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử vụ án phải thuộc các cơ quan huyện Ba Vì. Cơ quan chức năng thị xã Sơn Tây xử lý vụ án này là trái quy định tố tụng.

Tiếp đến, các luật sư cho rằng, việc cơ quan điều tra tách hành vi của bà Nguyễn Thị Tuyên ra khỏi vụ án là không có căn cứ và đã bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, bà Tuyên đã có tiền án về buôn bán hàng giả, chưa được xóa án tích.

Tại cơ quan điều tra, bà Tuyên đã khai nhận mua số mỳ chính giả nói trên từ một phụ nữ ở Phú Thọ đồng thời khẳng định bản thân phân biệt được mỳ chính giả hay thật nhưng đã mua để buôn vì thấy rẻ, có thể kiếm lợi nhuận cao. Vì vậy, đối tượng chính trong vụ án phải là bà Nguyễn Thị Tuyên, tách người này ra khỏi vụ án là vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, các luật sư dẫn văn bản của Bộ Y tế quy định mỳ chính thuộc danh mục phụ gia, không phải thực phẩm. Điều 157 BLHS năm 1999 không quy định người buôn bán, sản xuất phụ gia giả là tội phạm. Hành vi này được “hình sự hóa” tại Điều 193 BLHS năm 2015 - có hiệu lực từ 0h ngày 1/1/2018.

Các luật sư nêu quan điểm, bị cáo Lương phạm tội năm 2016 nên cần áp dụng BLHS năm 1999 để xử lý theo Nghị quyết của Quốc hội và quy định của TAND Tối cao về việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bố Đào Thị Lương không phạm tội.

Sáng 18/10, phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc.

MỚI - NÓNG