Đội cứu hộ U70 trên sông Vàm Nao

Ông Lợi sơ cứu, thổi ngạt cho nạn nhân Ảnh: Kim Hà
Ông Lợi sơ cứu, thổi ngạt cho nạn nhân Ảnh: Kim Hà
TP - Một chiếc ghe chở 6 - 7 ông lão tuổi thất thập cổ lai hi rong ruổi trên sông giữa trưa nắng chói chang không còn xa lạ với người dân xứ Vàm Nao (xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) suốt gần nửa thế kỷ qua. Đó là những thành viên đội cứu hộ trên khúc sông “tử thần” này.

Ông Phạm Ngọc Bé - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: đội cứu hộ Vàm Nao hình thành trên 40 năm, qua nhiều thế hệ. Việc làm của các chú, các anh là trên tinh thần thiện nguyện. 

“Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”

Lớn tuổi nhất trong “biệt đội” là ông Dương Văn Tích (70 tuổi). Ông Tích đã có hơn 40 năm tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông Vàm Nao. Ông kể: “Đúng ra mà nói gia đình tôi cứu người bị chìm tàu, ghe trên sông này cũng cả trăm năm rồi. Từ đời ông nội, rồi cha tôi, nay đến lượt tôi”.

Dân gian thường hay nói: “Bắp non mà nướng cửa lò; Đố ai ve được con đò Vàm Nao” hoặc “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” để chỉ mức độ nguy hiểm khi đi ngang qua sông này.

Tại đây có huyền thoại một thủy quái được người dân trong vùng truyền tai nhau cả trăm năm nay. Đó là một con cá sấu mũi đỏ, da trơn bóng, có 5 chân (còn gọi là ông Năm Chèo) do một đạo sĩ tên Bùi Văn Tây (ông Đình Tây, ngụ xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nuôi. Với hình thù kì lạ, con vật này được tiên đoán khi lớn lên sẽ hoành hành, làm hại bá tánh. Quả thật, một thời gian sau thủy quái đã cắn bỏ một chân, bứt dây xích trốn đi, đến ẩn mình dưới sông Vàm Nao. Thời điểm đó, người dân phát hiện một con cá sấu “khổng lồ”, thân to bằng chiếc ghe lớn. Mỗi lần sấu dữ trồi lên tạo nên những con sóng dữ nhấn chìm ghe tàu qua lại, gây bao cảnh chết chóc, tang thương. 

Nghe hung tin, vị đạo sĩ dùng năm món bảo bối gồm: Hai cây lao, một cây mun cổ phụng, lưỡi câu và dây băng thu phục “nghiệt súc”. Tuy nhiên ông chờ đợi rất nhiều ngày không thấy cá sấu xuất hiện. Từ đó về sau không còn ai thấy “ông Năm Chèo” nổi lên quấy phá nữa. Năm 1914, ông Đình Tây mất, 5 món bảo bối của ông hiện nay đang được hậu duệ đời thứ 5 lưu giữ, thờ cúng.

“Ở đây giai thoại về ông Năm Chèo được bà con truyền miệng cả trăm năm nay. Mấy ông già, bà cả hay kể câu chuyện này để răn dạy con cháu phải ăn ở hiền lành, đạo đức; còn làm điều ác sau này sẽ bị ông Năm Chèo nổi lên nuốt chửng” - ông Tích cho hay.

Đó là câu chuyện dân gian để lí giải về con sông “tử thần”. Thực tế, sông Vàm Nao chỉ khoảng 6,5 km nhưng vô cùng hiểm trở. Bởi đây là nơi giao nhau giữa sông Tiền và sông Hậu. Khi 2 dòng nước cùng đổ về gặp nhau ngay vị trí ngã 3 sông (sông Tiền, sông Hậu và Vàm Nao) tạo nên những xoáy nước cực mạnh, ghe tàu đi ngang qua đây rất dễ bị hút vào, gây nên những tai nạn thương tâm.

Khắc tinh của sông “tử thần”

Ông Tích kể: “Năm tôi 27 tuổi, cùng mấy anh em trong xóm giăng lưới, đặt đáy thường trực dưới sông này. Hễ có ghe nào chìm là bơi xuồng ra cứu liền. Hồi đó đâu có phao cứu sinh như bây giờ, tụi tôi mới hùn tiền tự trang bị mấy cái can nhựa 30 lít, cột vô dây thừng, quăng ra cho người bị nạn bám vào để kéo lên xuồng”.

Vừa cùng đội cứu hộ đi tuần tra về, ông Dương Văn Lợi (68 tuổi, giữ vai trò đội trưởng) góp chuyện: “Đa số những vụ tai nạn thường xảy ra vào ban đêm, nạn nhân là người vãng lai không thông thuộc địa hình sông này. Nếu xảy ra tai nạn, những người giăng lưới, giăng câu dưới sông hô hoán, chứ thời đó chưa có điện thoại. Nghe tiếng kêu cứu dưới sông vọng lên, tụi tôi chạy ra đường la thất thanh để cho bà con chạy ra giúp”.

Công tác cứu hộ hồi ấy chỉ bằng phương tiện thô sơ. Dù ra kịp nhưng chỉ với những chiếc xuồng nhỏ khó đủ sức để trục vớt người. Thậm chí, chưa cứu được nạn nhân bản thân cũng đã bị cái xoáy nước “nuốt chửng”. Hơn 40 năm qua, những ông lão xứ Vàm Nao tự nguyện thành lập đội cứu hộ, trang bị ghe, máy sẵn sàng, có nhân lực hỗ trợ, quá trình cứu vớt nạn nhân cũng nhanh chóng, an toàn hơn.

Ban đầu, đội chỉ có khoảng 6 - 7 thành viên, là các lão nông U70. Khi thấy việc làm ý nghĩa, nhiều người trong xóm tình nguyện gia nhập, hiện tại số thành viên tăng lên gần 20 người.

Khi có sự cố ông Lợi là người “chỉ huy”, phân công công việc rõ ràng cho từng thành viên: Người quăng phao cứu sinh, người nhảy xuống nước trục vớt, các thành viên còn lại thì giữ dây để kéo nạn nhân lên ghe.

Đội cứu hộ U70 trên sông Vàm Nao ảnh 1 Ông Tích trực tiếp xuống nước trục vớt người bị đuối nước  Ảnh: Kim Hà

Sau khi nạn nhân được kéo lên ghe, ông Lợi tiến hành hà hơi, thổi ngạt giúp nạn nhân hồi tỉnh. Sau đó, đưa đi cấp cứu hoặc liên lạc với người nhà đến đón.

“Cứu sống được một người, anh em tôi mừng hơn được ai cho vàng bạc. Nhiều lúc nửa đêm đang ngủ, nghe điện thoại báo có tai nạn, dù buồn ngủ cỡ nào cũng phải tốc dậy, chạy đi, không bỏ lỡ cơ hội cứu người - Ông Dương Văn Lừng (65 tuổi, thành viên trong đội) bộc bạch.

Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ các “lão anh hùng” nhận bất cứ sự trả ơn nào, cứ cho đó là sứ mệnh của mình mà thực hiện. “Mười mấy năm trước, tôi có cứu được 2 mẹ con, rồi họ báo đáp tôi 200 ngàn đồng nhưng tôi không nhận. Bẵng đi mấy năm sau, trong một dịp tôi đi Tri Tôn chơi thì tình cờ gặp lại thằng bé hồi xưa được tôi cứu. Nó nhận ra tôi và đòi cho 10 công đất để trả ơn. Tôi chỉ cười, rồi từ chối. Mãi tới sau này nó trở thành cháu rể của tôi” - ông Tích chia sẻ.

MỚI - NÓNG