Đời chua chát của nữ ca sĩ miệt vườn
> 'Hát với nhau' rồi 'đi với nhau'
> Khi sao chối bỏ nghệ danh một thời
> Người chạy sô khắp thành phố đã ngưng tiếng hát
Cùng là ca sĩ, Nga và Thắm sống phụ thuộc vào lòng hảo tâm và sự bố thí của khách hàng, chuyện bị sàm sỡ, cợt nhả xảy ra như cơm bữa.
Bước vào nghề, Thắm mới thấu hiểu nỗi tủi nhục của đời ca kỹ. |
Nguyễn Thị Thắm quê ở Trà Vinh, năm nay vừa bước sang tuổi 20, đôi mắt đen láy, gương mặt trắng bầu bĩnh như ánh trăng rằm đắm đuối với bài ca cổ có tích từ câu chuyện "Vợ chồng cua" xúc động. Hát xong, dường như quá nhập tâm, Thắm cũng rớt nước mắt thở than.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng quê sông nước Nam bộ với 6 anh em, Thắm là con út trong gia đình. Ở vùng miệt vườn sông nước miền Tây này, nhiều cô gái lớn lên thường đi làm cái nghề “bia ôm, gái gọi” để kiếm sống. Khác với họ Thắm lại lo chuyện học hành.
Thế nhưng, cuộc đời cũng thật trớ trêu, khi đang học dở lớp 11 thì mẹ cô bỗng nhiên ốm nặng, gia sản tích cóp được bao nhiêu đều đổ vào chữa bệnh cho mẹ. Nhà nghèo, bệnh trọng, những ngày điều trị ở bệnh viện thiếu thốn đủ thứ nên mẹ Thắm cũng không qua khỏi. Chán đời, bố của Thắm lại lao vào rượu chè, bài bạc.
Trong một lần nhậu xỉn, trên đường về không biết ma xui quỷ khiến hay con sâu rượu đã khiến ông gây ra một tội ác tày trời, hiếp dâm một em nhỏ 14 tuổi rồi phải trả giá bằng 12 năm tù. Kể từ đó anh em Thắm mất cả cha lẫn mẹ.
Nhà tan, cửa nát, 6 anh em Thắm ly tán mỗi người một phương trời. Rồi cơ duyên bước vào nghiệp cầm ca đã đến với Thắm, khi đang lang thang xin việc tại các nhà hàng thì em gặp được những người hát ca cổ.
Vốn ham mê ca hát từ nhỏ nên Thắm xin những bậc “tiền bối” cất giọng hát thử. Thấy sự đam mê của Thắm nên người trưởng đoàn đã nhận cô vào “gia đình ca hát” chuyên đi hát phục vụ thực khách. Như chết đuối vớ phải cọc, vậy là từ đó Thắm đã trở thành “nghệ sĩ” miệt vườn của một gánh hát rong. Thế nhưng, cuộc đời cũng lắm trái ngang khi niềm vui chưa kịp tới, Thắm đã gặp không ít nỗi buồn trong khi “hành tẩu giang hồ” với nhóm nghệ sĩ miệt vườn.
Thắm kể, trước đây nghe người thân nói rằng cái nghiệp hát ca này niềm vui thì ít mà nỗi buồn quá nhiều, nhưng cô không tin. Nhưng khi bước chân vào nghề cô mới thấu hiểu được đâu là lời nói chân thành của người thân và đối mặt với sự tủi nhục của nghề ca kỹ.
Nguyễn Ngọc Nga quê ở huyện Củ Chi (TP HCM) cũng dấn thân vào con đường ca nghiệp từ năm 15 tuổi. Khi ấy, gia đình Nga bị vỡ nợ trong “phong trào” cho vay nặng lãi. Từ một gia đình giàu có với hàng chục héc ta đất trồng dừa, trồng chôm chôm, quanh năm cho thu hái với tiền triệu, nhưng vì giàu càng ham giàu nên mẹ Nga thành lập đường dây chuyên nhận tiền của người quen biết chuyển cho người khác để hưởng hoa hồng.
Gia đình vỡ nợ, tài sản phải bán hết để trả nợ, mẹ đi tù, Nga đang từ một tiểu thư đài các bỗng chốc trở thành kẻ lang thang vô gia cư. Khi người bố vì buồn chuyện gia đình đã bỏ đi biệt xứ, Nga buộc phải đi làm ô sin cho một gia đình giàu có ở quận 1 (TP HCM). Làm ô sin cho chủ nhà được hơn một năm, khi ấy Nga vừa bước sang tuổi 14, khuôn mặt xinh xắn, dáng người đầy đặn nở nang đã khiến cho ông chủ không cưỡng nổi lòng mình nhiều lần vụng trộm vợ sàm sỡ Nga.
Mỗi lần bị như thế, Nga chỉ biết chui vào góc khuất ôm mặt khóc. Và chuyện gì đến sẽ phải đến, khi một ngày bà chủ đi công tác xa nhà, ông chủ hơn 50 tuổi như một con thú hoang đã dùng vũ lực cưỡng hiếp, cướp đi đời con gái của cô.
Uất hận, tủi nhục Nga bỏ đi không lời giã biệt và bước chân đi với những kẻ du thủ du thực ở đất Sài Thành. Lang thang mãi, rồi Nga và những người bạn cùng cảnh ngộ đã rủ nhau đi bán kẹo kéo, hát rong khắp các nhà hàng, quán bia để kiếm sống.
Cuộc đời xô đẩy vất vả trăm đường nhưng nhan sắc của Nga ngày càng trỗi dậy và trở nên đẹp hơn. Nga đi đến đâu, khách hàng đều buông lời tán tỉnh và cô cũng sẵn sàng đáp lại để bán được hàng. Một chủ cửa hàng thấy Nga có duyên, lại có giọng hát trời phú nên mời em ở lại quán chuyên hát phục vụ khách. Từ đó cô gái chính thức trở thành ca sĩ cho nhà hàng từ đấy.
Có phúc không quên bạn thời nghèo khó hàn vi, sau một thời gian chiếm được cảm tình của ông bà chủ, Nga đề nghị ông chủ cho thành lập một nhóm nhạc và rủ những người bạn trong nhóm của mình cùng biểu diễn để kiếm sống.
Cô bảo: “Ở quán này, mỗi khi có khách em đều được ông chủ cho ra hát phục vụ. Khi khách không có nhu cầu em cũng sẵn sàng trở thành bồi bàn phục vụ cho khách. Cũng vì chịu khó, chăm chỉ nên được ông chủ tạo điều kiện đi chạy sô hát ở nhiều nhà hàng khác trên địa bàn quận 7”. Ngoài tiền lương ông chủ trả 3 triệu đồng, Nga có khoản thu ngoài từ tiền khách bo và tiền hát ở những quán khác cũng lên tới chục triệu đồng.
Cài nghề này ngoài sự bạc bẽo, còn là sự tồn tại khá ngắn ngủi. Bởi ở những chốn ăn chơi xa hoa như thế này, những người lắm tiền nhiều của không chỉ chuộng giọng hát hay mà còn chuộng cả sự trẻ trung, xinh đẹp và phải biết “nghe lời”.
Bởi thế, dù có chút nhan sắc, nhưng khi đã bước sang tuổi quá 30 là chẳng còn khách nào gọi đi hát phục vụ nữa. Chỉ có những người ngồi phía sau “sân khấu” là có thể tồn tại đến khi không còn cầm nổi cây đàn nữa.
Thắm bảo: “Dù là người chơi đàn hay người hát đều bỏ công sức và đều mưu cầu cho cuộc sống, thế nên tất cả tiền bo, tiền thưởng và cả tiền các chủ quán trả công được chúng em chia đều cho mỗi người. Dù ít hay nhiều thì sự công bằng cũng giúp cho những gánh hát như chúng em ngày càng thêm gắn bó với nhau hơn”.
Phân vai, chia cấp là sự thật hiển nhiên trong cái nghề ca kỹ này. Thắm đưa ra sự so sánh: "Cũng là ca sĩ, cùng lấy giọng hát để phục vụ nhu cầu của khán, thính giả, thế nhưng với những ca sĩ trứ danh, họ được nâng niu, coi trọng, thậm chí còn được làm giá, còn với những người như Nga và Thắm hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hảo tâm và sự bố thí của khách hàng.
Có những ngày đi biểu diễn các cô cũng được hơn một triệu đồng, nhưng đổi lại phải nhẫn nhịn để cho những ông khách say xỉn, nồng nặc hơn men ôm hôn, sờ soạng. “Những ca sĩ có danh tiếng chỉ hát có một bài nhưng được trả tới vài triệu đến vài chục triệu đồng. Họ thì nhà lầu xe hơi, đi đón về rước, còn chúng em phải lầm lũi đi làm, đêm về lại ngủ trong căn phòng trọ tồi tàn hôi hám… Cũng là ca sĩ sao họ sướng đến thế, còn những người như chúng em sao mà thấy thương thân, tủi phận đến vậy”, Thắm buồn tủi chia sẻ.
Nói xong, theo yêu cầu của khách, nhóm hát của Thắm lại tiếp tục đàn, hát bài ca cổ “Cô gái bán sầu riêng”. Hát xong Thắm bảo: “Em rất thích hát bài này, nó vừa mang giai điệu của những con người miệt vườn Nam bộ, vừa phảng phất nỗi buồn của những cô gái vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.
Em cũng mong ước giá như nỗi “sầu riêng” của em cũng được ai đó mua giùm, giúp em bớt nhọc nhằn, buồn tủi. Hay chí ít cũng mong những người lắm tiền bạc có thái độ tôn trọng những người đàn, hát phục vụ như chúng em”.
Theo Gia Đình và Cuộc Sống