Đời chàng gay gặp may

Đời chàng gay gặp may
TP - Đời callboy (NXB Văn học- 2012) của Nguyễn Ngọc Thạch ngoài đề tài đồng tính còn có cốt truyện hấp dẫn, xúc động. Chàng trai sinh 1987 đã có 4 đầu sách được xuất bản và 2 cuốn chờ ra mắt. Cuộc trò chuyện nhân dịp anh ra Hà Nội tham gia Việt Pride 2013.

> Gia đình - sự giày vò tiếp nối?
> 'Bãi vàng, đá quý, trầm hương' của Nguyễn Trí

Nhờ hoạt động xã hội, cộng đồng mà bạn có chất liệu viết Đời callboy?

Cộng đồng đồng tính thường sinh hoạt theo kiểu lên các diễn đàn mạng giao lưu rồi có những buổi offline. Tôi không, một phần vì không có thời gian viết bài, chỉ thỉnh thoảng vào coi thôi. Tôi có tư liệu do trước có quen một anh làm callboy (trai gọi). Qua ảnh, tôi mới biết cuộc sống callboy thế nào. Tôi từng qua nhà ảnh ở mấy bữa, thậm chí khi ảnh đi làm mình cũng đi theo... để lấy chất liệu viết. Tôi chỉ quen một nhóm nhỏ trong cộng đồng và những người làm callboy thôi. Khi phát hành sách rồi, các diễn đàn mới mời tôi tham gia hoặc giao lưu.

Khi viết cuốn sách đầu tay về những người cùng giới, bạn có cảm xúc đặc biệt gì?

Cảm xúc thì rất nhiều. Đến bây giờ cầm cuốn sách mà mấy năm trước không bao giờ nghĩ sẽ được in, chảy nước mắt.

Khả năng văn chương của bạn phát tiết từ bao giờ?

Tôi thực sự không biết. Thấy câu chuyện hay, muốn kể cho nhiều người thì tôi bắt tay vào viết Đời callboy. Viết rất cảm tính, không có ý thức đã đúng chuẩn văn học chưa. Khi mới post trên mạng có nhiều ý kiến, chê nhiều hơn khen. Từ đó rút kinh nghiệm, chỉnh sửa từ từ, chắc bây giờ cũng đỡ hơn chút xíu. Một phần viết vì thời gian đó tôi giống như tự kỷ, hơi cô đơn.

Từ nhân vật Nam mà Thạch là nguyên mẫu, suy ra gia đình và người thân chấp nhận giới tính của bạn khá dễ dàng. Có lúc nào bạn cảm thấy bế tắc?

Chắc tôi là trường hợp may mắn. Từ năm lớp 9-10, tôi đã đọc rất nhiều sách báo về đồng tính viết kiểu rất bình thản, kiểu nó chỉ là một xu hướng tính dục chứ không có gì ghê gớm. Từ đó, tôi đã chuẩn bị tâm lý. Đến khi biết mình đồng tính thì tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng. Mình cứ sống, cứ đóng góp thì chẳng việc gì phải hổ thẹn hết. Ba mẹ tôi thì chỉ quan trọng tôi là con của ba mẹ và làm được gì cho xã hội, không quan trọng giới tính của tôi thế nào.

Cuối truyện Đời callboy, nhân vật chính biết mình nhiễm HIV và vào chùa ở. Ngoài đời, anh ấy... còn sống chứ?

Đợt cuối cùng khi tôi và anh Hai của anh đó lên Đà Lạt hỏi, mấy người ở đó nói: “Ảnh không còn sống ở đây nữa, đi chỗ khác rồi”. Hỏi đi đâu thì họ lắc đầu: “Anh đừng hỏi, các thầy cũng không biết”. Chắc nếu còn sống thì anh ấy cũng không muốn gặp mặt mọi người nữa, muốn những ngày cuối đời được thanh thản, thì cũng nên tôn trọng ý nguyện của anh ấy.

Một người đồng tính gần đây lên báo kể chuyện anh ta từng xuống tóc đi tu nhưng không được chấp nhận. Trường hợp nguyên mẫu của bạn thì sao?

Thật sự anh ấy cũng không thể vào chùa nói: Tôi là người đồng tính. Chắc là ảnh chỉ nói là ảnh bệnh và muốn nương nhờ cửa Phật. Phật từ bi mà, người trong đạo bao giờ cũng mở lòng cho những ai muốn tìm đến. Thì ảnh chỉ ở trong chùa giống như người làm công quả, ngoài ra ảnh xuống trung tâm y tế gần đó chăm sóc cho một số người nhiễm HIV như ảnh. Từ đó, bên chùa thấy anh là người tốt thì cứ thế cho ở thôi.

Một số người đang đấu tranh cho hôn nhân đồng tính. Bản thân bạn muốn có một cuộc hôn nhân chính thức cho mình?

1-2 năm nay, tôi đã có suy nghĩ và mặc định rằng người để tôi quan tâm nhất là... gia đình. Bởi vậy tôi sẽ sống vì gia đình của tôi thôi. Còn những thứ tình cảm cá nhân tôi nghĩ không quan trọng. Dĩ nhiên sẽ có một lúc nào đấy mình mệt mỏi, muốn có một người để nói chuyện, chia sẻ. Nhưng để gọi là tìm kiếm người đó, tôi không làm. Cái gì tới thì tới thôi. Tôi nghĩ quan trọng là 2 người cảm thấy thế nào khi ở bên nhau. Có người sống với nhau 20 năm cũng chẳng cần luật pháp công nhận, quan trọng là gia đình của hai bên chấp nhận và những người xung quanh hiểu cho họ là được rồi.

Đời chàng gay gặp may ảnh 1
 

“Khi đi học, bạn bè chấp nhận giới tính của tôi thì chơi chung, không thì thôi. Mà chắc chắn ai ghét người đồng tính thì không thể làm bạn với mình được rồi. Tôi không đi đến đâu cũng khoe mình đồng tính, nhưng khi có người thắc mắc: “Thạch ơi mày gay phải không?” Thì tôi: “Ừ, tao gay. Nếu cảm thấy chuyện này ghê gớm quá thì thôi. Xin lỗi đã không nói sớm”. Đa phần bạn bè sau khi biết, họ cũng bình thường, thoải mái với tôi. Các bạn nữ còn thường xuyên tìm tôi tâm sự vì tôi hiểu cả hai giới, nên cho lời khuyên chắc chính xác hơn.

Đặc thù ngành tiếp thị tôi làm, người đồng tính hơi nhiều. Nói chung tôi cũng gặp được những sếp rất tốt, chỉ nhìn hiệu quả công việc, chẳng quan tâm đời sống cá nhân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.