“Tui tưởng không còn gặp lại ông!”
Bà Lê Thị Cúc vẫn nhớ hoài cái buổi chiều cách đây 5 năm, khi cơn bão lớn đổ bộ vào Hậu Giang. Hôm đó, ra đường bán vé số, gặp nhà nào phát vô tuyến, bà Cúc đều dong xe dừng theo dõi.
“Ông xem đồ đạc nào cần thiết thì chất lên cao, cái nào không cần thì để đó. Cứ nằm yên trên giường. Đồ mất nhưng người phải còn” - bà gọi điện, dặn dò chồng liên tục.
Đến chiều hôm sau, bão tiếp cận đất liền. Cuộc gọi đầu tiên về nhà, nghe tiếng gió rít ù ù trên mái, bà Cúc như bị tôn cứa. “Chính quyền bảo tôi đi di tản, còn không thì nhà hàng xóm ở tạm vì nhà mình không còn ai. Nhưng còn nhiều đồ đạc qua, tôi không nỡ đi bà” - ông Đạt nói xong thì điện thoại tắt ngúm.
Cả buổi tối ngồi trong nhà trọ, nghe tin bão lớn, lòng bà Cúc như kiến cắn không thôi. Cả đêm, cứ cách tiếng, bà lại đốt hương cầu cho tai qua nạn khỏi. Ngoài trời, mưa ầm ĩ.
Bão tan, bà Cúc đón chuyến xe đầu tiên về quê. Ngôi nhà mười mấy năm đã đổ sụp một nửa, toàn bộ mái tôn đã bị gió cuốn bay. Gặp lại vợ, ông Đạt ngồi trong nhà, nước mắt đã lưng tròng: “Bà về rồi đấy à! Điện thoại ngấm nước, tui không gọi được ai. Đêm qua gió tốc, tôi chui xuống đít giường đợi mãi mà trời vẫn chưa sáng”.
Nói xong, ông bà cứ thế, đứng khóc giữa căn nhà đổ nát.
2 chiếc chân mãi không bao giờ thẳng lại
2 vợ chồng bà Cúc hành nghề bán vé số. Ở thành phố Cần Thơ hơn 10 năm, dành dụm được ít tiền, năm 2010, ông Đạt về quê nhờ hàng xóm đổ đúng 6 trụ bê tông để dựng vách nhà.
Những tưởng đã yên bề gia thất, 5 năm trước, ông Đạt được chuẩn đoán viêm khớp, tiểu đường nặng. Không tiền, ông Đạt vẫn quyết định cùng vợ đi bán vé số. Được một thời gian thì chân đau nhức dần cứng như que củi.
“Dao cắt không đau, gai đâm chảy máu không biết, nhưng chỉ cần nhúng nước là cả đêm ngủ chẳng yên. Lúc đó, bả thương tui quá mới kêu tui về quê, một mình ở bán kiếm tiền thuốc. Tháng nào vé ế, không còn thuốc, tui như chết đi sống lại” - ông Đạt kể.
Chồng về quê, bà Cúc vẫn bám trụ thành phố. 2 năm trước, trong một lần đi lấy vé số, chiếc xe máy vô tình quẹt ngang, bà Cúc ngã nhào ra đường.
Đợt đó, bà nằm viện hơn tuần, chàng thanh niên làm phụ hồ gom góp đúng 2 triệu để đền bù cho chiếc chân cong queo của bà.
“Bác sĩ chụp MRI, dặn tui phải tiến hành phẫu thuật. Nhưng lúc đó còn có 2 triệu, tôi cầm tiền trốn viện về quê mà chỉ biết khóc. Giờ đã hơn năm, chiếc chân của tôi không thể nào duỗi thẳng ra được nữa” - bà Cúc kể.
Tháng 9, mùa nước nổi mang cá cá tôm cho người miền Tây. Nhưng với vợ chồng bà Cúc, đó là một mùa buồn. Chân ông Đạt không thể ngấm nước, cả ngày lẫn đêm đều sinh hoạt trên giường, dựa hẳn vào đôi chân cong queo của vợ.
4 cây bạch đàn cũ đã gãy, mái tôn đã bị tốc từ đợt bão 5 năm trước, bà Cúc chưa có tiền sửa. 2 vợ chồng bà vẫn chờ đợi vào những cây chuối trong vườn. Hồi tháng 3, nước ngập mặn, chuối chết đi nửa vườn.
“Chắc tui phải quay lại Cần Thơ, không đi được thì ngồi xe lăn bán số, tôi còn sống và còn phải nuôi ổng nữa” - bà Cúc nhìn những đọt chuối vàng héo, cưới đắng ngắt.
Sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Lê Thị Cúc, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) đã thông qua UBMTTQ thị trấn Cây Dương trao tặng căn nhà tình nghĩa cho vợ chồng bà.
Tại buổi lễ trao tặng, ông Nguyễn Trung Tín (Phó giám đốc chi nhánh Cần Thơ (thuộc Vietlott)) chia sẻ:
“Trong suốt nhiều năm Vietlott đã tham gia nhiều hoạt động an sinh nhằm nâng cao đời sống cho người dân nghèo. Ngoài các hoạt động trao học bổng giúp trẻ em đến trường, xây cầu, làm đường… Vietlott còn tham gia trao tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa trên toàn quốc.
Từ đầu năm 2020, Vietlot và người trúng thưởng đã trao tặng hàng chục căn nhà tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Long An… Mái nhà yên ấm sẽ tạo động lực cho người dân có thể ổn định, trong tương lai có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là những gì mà Vietlott luôn mong muốn mang tới cho mọi người”.