Đời bán vé số dạo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong khi người bán vé số dạo hàng ngày phải rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm để mưu sinh sống qua ngày trong tình trạng “3 không” (không hợp đồng lao động, không lương, không bảo hiểm) thì nhiều Cty Xổ số kiến thiết (XSKT) ở miền Tây lãi lớn.

Chiều 14/9, tại một quán cà phê trong con hẻm nhỏ nội ô thành phố Cần Thơ, một người đàn ông mang dép tổ ong, bộ đồ “cà tàng” với chiếc mũ úa màu, cầm tập vé số trên tay hớt hải chạy vào quán nói với giọng run run. “Các cô chú thương tình mua giúp tôi vài tờ vé số. Do trời mưa nên chiều nay tôi không bán được, mà sắp tới giờ quay số rồi. Nếu không bán hết thì tôi ôm cọc vé số này, chứ không trả lại được”.

Đời bán vé số dạo ảnh 1

Người bán vé số dạo ở miền Tây

Người đàn ông này tên Thanh (49 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng), hơn 10 năm bán vé số dạo tại Cần Thơ. “Nghề này thu nhập luôn bấp bênh. Ngày đắt khách, tôi bán hơn 200 tờ vé số. Sau khi trả tiền về đại lý, tôi thu được 1.000 đồng/tờ vé số, tương đương thu nhập một ngày khoảng 200 ngàn đồng, ngày ế thu nhập chỉ 100 ngàn đồng. Trong khi đó mỗi tháng, tôi phải chi ra khoảng 3 triệu đồng cho tiền nhà, tiền ăn uống. Sau khi trừ các chi phí, số còn lại tôi gửi về quê cho bà nội để lo cho 2 con đang vào học lớp 9 và lớp 5”, ông Thanh nói.

Người bán vé số dạo là một khâu trong chuỗi sản xuất kinh doanh, thương mại của các Cty xổ số nhưng họ là những người yếu thế nhất: Không hợp đồng lao động, không lương, không bảo hiểm (3 không). Thu nhập chính từ phần trăm ít ỏi của những tờ vé số bán được.

Bán xong cho khách 3 tờ vé số, bà Phương (41 tuổi, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều) than thở: “Giờ nghề bán vé số gặp nhiều khó khăn, người bán thì nhiều, trong khi đó người mua chẳng còn bao nhiêu. Ngày nào bị kẻ gian giật, tráo vé số… xem như ngày đó mất trắng. Nhưng không đi bán thì lấy tiền đâu lo cho mấy miệng ăn trong nhà”.

Nhiều Cty xổ số truyền thống lãi lớn

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, 6 tháng đầu năm 2022, dịch COVID -19 cơ bản được kiểm soát nên kết quả hoạt động kinh doanh của các Cty xổ số tại miền Tây đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Cty XSKT An Giang là doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, lên tới 42%, đạt 352,7 tỷ đồng. Doanh thu đạt 2.579 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Nhờ lãi tăng đột biến, nửa đầu năm Cty chi tiền lương cho ban điều hành gồm 7 người, với số tiền 2,47 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính trung bình trong 6 tháng đầu năm 2022, mỗi thành viên ban điều hành Cty XSKT An Giang thu nhập hơn 58 triệu đồng/tháng.

Ngoài XSKT An Giang, XSKT Bến Tre cũng tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao hơn 20%, đạt 307,4 tỷ đồng. Doanh thu của Cty tăng 7,6%, đạt 2.537 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp xổ số truyền thống khác ghi nhận doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng và tăng trưởng cao sau 6 tháng đầu năm như: Cty XSKT Bạc Liêu (2.208 tỷ đồng), Cty XSKT Tiền Giang (2.584 tỷ đồng)…

Nói về các khoản chi trả lương cho ban điều hành Cty XSKT An Giang, ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh An Giang cho biết, việc trả lương căn cứ theo Nghị định 52/2016 của Chính phủ về quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Cty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, mức tiền lương của doanh nghiệp căn cứ vào việc Cty bảo toàn và phát triển vốn nhà nước kết hợp năng suất lao động không giảm và lợi nhuận phải cao hơn kế hoạch.

“Cuối năm, Cty sẽ có báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó có tổng doanh thu, tiền chi trả cho nhân viên, ban điều hành… Chúng tôi chỉ tham gia vào việc xác định bao nhiêu lao động của doanh nghiệp và tổng quỹ tiền lương của họ, còn việc chi trả mức lương sẽ theo quy định từng của doanh nghiệp. Sở Tài chính cũng thẩm định các số liệu báo cáo của Cty, nếu đúng theo quy định thì chúng tôi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt”, ông Ly nói.

MỚI - NÓNG