Đọc sách kiểu Tây

Ảnh trong bài: Trần Nguyên Anh.
Ảnh trong bài: Trần Nguyên Anh.
TP - Giữa thành phố ồn ào náo nhiệt vẫn còn thấp thoáng đâu đó những quầy sách ngoại văn nhỏ với những tên tuổi tác giả kinh điển mà đôi khi chúng chỉ là những cuốn sách phô tô được bọc kín trong giấy bóng như thể vật quý vậy.

Chị Linh, một nhân viên lễ tân ở khu phố Tây, Phạm Ngũ Lão (TPHCM) nói rằng: “Khách Tây và khách ta phân biệt ở cuốn sách. Khách Tây bao giờ cũng đem theo sách để đọc lúc đi du lịch nên khi dọn phòng phải xem họ có quên sách hay không, nhắc cho họ”. Chị Linh bảo: “Sách ngoại văn ở Việt Nam rất ít, hiếm và cũ kỹ, du khách có tiền cũng không mua được. Họ đọc những cuốn sách mang theo dè dặt, mỗi ngày đọc dăm bảy trang thôi, như thể của để dành”.

Đọc sách kiểu Tây ảnh 1 Tranh thủ đọc trong hiệu sách ở Việt Nam.

Anh Tư, chủ một tiệm sách ngoại văn ở khu phố Tây, nhưng nghề chính là chạy xe ôm. Anh Tư bảo: “Tôi và vợ tôi làm nghề bán sách ngoại văn gần hai chục năm rồi, nhưng chúng tôi chẳng biết đọc sách tiếng Anh đâu, chủ yếu bán đắt hay rẻ là dựa vào cuốn sách dày hay mỏng”. Tôi hỏi anh có cuốn sách nào của các tác giả được giải Nobel không? Anh lắc đầu, đáp: “Tôi chẳng biết giải ấy là giải gì”.

Sách ngoại văn của vợ chồng người lái xe ôm có chừng 400 cuốn thôi, và chúng bao nhiêu năm vẫn ngần ấy cuốn, số là khách du lịch đọc xong, đem ra đổi sách khác, họ ngại mang nhiều sách nặng, đổi chác là chính. “Họ muốn đổi ngang như khi ở bên nước họ, nhưng chúng tôi chấp nhận – anh Tư nói – đổi thì phải bù tiền, dù đổi sách dày hay mỏng, số tiền khách phải bù là một vài đô la thôi”.

Đọc sách kiểu Tây ảnh 2 Sách ngoại văn bán trên phố Tây.

Ngoại trừ số ít sách hướng dẫn du lịch về Việt Nam, Lào, Campuchia, tuyệt đại đa số sách để “đổi” của anh Tư là sách văn học, chủ yếu là tiểu thuyết, đó là nét khác biệt khi các hiệu sách dành cho người Việt Nam ở khu trung tâm thường chủ yếu bán truyện ngắn, thơ kinh điển. Các cuốn sách nguyên bản được in bằng giấy xốp rất nhẹ, màu xám không bị cáu bẩn. Bên cạnh đó, những bản phô tô được làm từ giấy trắng, dày và nặng hơn rất nhiều.

Phố Tây đủ thứ copy mà nhiều nhất là tranh copy, hay gọi nôm na là tranh “nhái”. Dĩ nhiên chúng hoàn toàn vi phạm bản quyền nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại ở chốn này với hàng chục tiệm sao chép tranh công khai các tác phẩm của danh họa thế giới để bán cho Tây ba lô. Sách cũng vậy. Những cuốn tiểu thuyết ăn khách của Murakami, G. Marquez, Paul Coelho… được copy vô tội vạ. Cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” dịch ra tiếng Anh của Bảo Ninh cũng được phô tô rất tinh vi với bìa sách in màu không khác bản gốc là bao.

Đường sách TPHCM nằm bên hông Bưu điện trung tâm, năm ngoái doanh số đạt gần 27 tỷ đồng và lượng sách đến tay bạn đọc khoảng 500.000 cuốn. Những ngày này đang mùa mưa, đường sách hứng chịu những cơn mưa bất ngờ và lập tức áo mưa sẽ trùm lên các cuốn sách mới, cũ. Những vị khách Tây du lịch ngang qua và cả những người dự hội thảo, hoặc làm việc tại Sài Gòn vẫn tranh thủ ghé đường sách để tìm những cuốn sách ngoại văn.

Đọc sách kiểu Tây ảnh 3 Du khách tìm mua sách ở Sài Gòn.

Những quầy sách ngoại văn chủ yếu bán sách tiếng Anh, Pháp, Trung phần đa là sách cũ và giá cả đủ loại. Thảo là sinh viên quê ở Lâm Đồng, làm nhân viên bán sách với mức lương 250.000 đồng/ngày. Thảo tấm tắc: “Khách Tây đội mưa đi mua sách, nhưng trời đang mưa to nên không thể tìm sách cho khách được, phải hẹn khách lúc khác quay lại lấy sách”. Đường sách phục vụ đến 10 giờ tối, nhưng có lẽ nhiều du khách phải vội vã rời đi theo các tua tuyến du lịch của mình, ngoái lại nhìn những cuốn sách cũ với vẻ tiếc nuối.

Những nhân viên nhà sách bảo tôi: “Nhiều người Việt mình tới mua sách, nhưng không ít người tới chỉ để chụp hình đưa lên trang mạng xã hội khoe cuối tuần đi chơi nhà sách mà chẳng mua cuốn nào. Khách Tây thì khác, họ đã ghé, cố tìm sách để mua cho được. Có người vừa mua xong, tìm gốc cây, tìm quán cà phê, vội vã mở ra đọc liền”. Thảo cũng bảo tôi: “Khách Tây ghé mua sách nhiều, tiếc là sách ngoại văn cũ và mới đều khan hiếm. Khách hỏi hoài mà không có”.

Đăng, một rocker kiêm hướng dẫn viên du lịch kể: “Khách nước ngoài có thói quen đọc sách. Đi làm về, họ tranh thủ đọc sách. Đi du lịch, rảnh thì đọc sách. Trong ba lô thể nào cũng một vài cuốn sách”. Đăng có lẽ cũng “nhiễm” thói quen đọc sách của khách nên đi đâu cậu cũng cầm theo một cuốn tiểu thuyết tiếng Anh dằn trong ba lô.

Một chủ shop ở phố Tây so sánh: “Người mình cuối ngày tụ tập nhậu nhẹt, người phương Tây cuối ngày tìm chỗ yên tĩnh ngồi đọc sách. Đó là những nét khác nhau ta thấy rõ ở khu phố Tây”. Những lúc phố Tây quá náo nhiệt, nhiều du khách lặng lẽ đi ra công viên nhiều cây xanh cách đó một con đường, họ chọn chiếc ghế đá đầy lá rụng, mở sách ra ngồi đọc, dù bên kia đường các quán nhậu bắt đầu lên đèn và tiếng cụng ly nổ như pháo.

Dịch giả Việt kiều Nguyễn Tiến Văn, người có lối sống trầm tư nhận xét: “Người Việt Nam mình ít đọc sách, ít sách, nhất là những sách quý, bản gốc”. Để thay đổi điều này, anh Nguyễn Tiến Văn đã tặng kho sách quý của anh sưu tầm nhiều năm từ nước ngoài, gồm 18.200 quyển sách (chủ yếu sách ngoại văn)?tặng Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM.  Dịch giả Hà Vũ Trọng cũng nói rằng đầu ra cho sách ngoại văn tại Việt Nam là rất khó. Anh mang từ Canada về một kho sách nghệ thuật, mỹ thuật, văn học nhưng cũng mới chỉ in và xuất bản được dăm cuốn. Tới Công ty Nhã Nam, đại diện tại TPHCM, tôi gặp khá nhiều dịch giả tên tuổi có uy tín và mọi người đều cho biết: “Sách dịch có giá trị vẫn xếp hàng chờ đến lượt in”. Một khi ngay cả bản dịch có khó bán, việc buôn bán sách gốc sẽ càng khó hơn.

Thư Kỳ, một nhà sách uy tín ở quận 3 đã đóng cửa chuyển đi nơi khác “giá thuê mặt bằng quá sức của một nhà sách cũ” – người chủ ngày chia tay nói với tôi như vậy. Anh Tư ở khu phố Tây nói: “Chúng tôi cũng trả mặt bằng vì năm rồi, giá thuê quá cao, bây giờ chúng tôi xếp sách ra vỉa hè mà bán”. Công việc chạy xem ôm của anh Tư là nguồn sống chính của gia đình, vợ anh bán sách vào buổi tối, khi những chuyến xe lữ hành bắt đầu rời khu phố Tây.

Một số bạn trẻ đam mê ngoại văn cũng có cách riêng để nuôi giữ thú đọc sách ngoại của họ. BOA, một tiệm sách ngoại văn đã chọn thuê vị trí tại tầng 2 một khu chung cư cũ. Khác với anh Tư, các bạn buôn bán sách ngoại văn cũ hiện nay đều giỏi ngoại ngữ và có kiến văn, họ thường chọn sách Bestseller bán chạy từ nước ngoài đem về. Nhà sách Book a Life cũng áp dụng “chiến thuật” đổi sách để làm tăng thêm sự phong phú của tủ sách và áp dụng giảm 30% cho khách hàng mua cuốn thứ 2. Dĩ nhiên, phần lớn sách là sách cũ.

Đọc sách kiểu Tây ảnh 4 Sặc sỡ, nhưng đều chỉ là sách phô tô.

Nhiều trí thức cũng có thói quen đọc sách, như M.C ca nhạc Nguyễn Minh chẳng hạn. Mỗi lần tìm được sách hay, họ thường mô tả trên các nhóm bạn trong mạng xã hội một cảm giác “sướng tê cả người!”. Những thầy giáo và văn nghệ sĩ trẻ nước ngoài làm việc tại Sài Gòn nói với tôi rằng ở thành phố này, cuộc sống vật chất như bia rượu không bao giờ thiếu, nhưng  luôn có cảm giác “đói sách”. Anna, giáo viên người Đức nói với tôi:  “Phần lớn sách ngoại văn trong các nhà sách là sách công cụ như từ điển, các loại giáo trình ngoại ngữ. Rất nhiều sách dạy ngoại ngữ, nhưng những tác phẩm viết bằng chính thứ tiếng ấy lại không có trên các quầy sách tại Việt Nam!”. 

Durno, một giáo viên nước ngoài thậm chí đăng tin để tìm kiếm một bản tiểu thuyết bằng tiếng Anh dù là bản phô tô, nhưng cũng không ai có mà bán cho anh ta cả! Đôi khi, các nhà sách và trang mạng sẽ trả lời bạn: “Chúng tôi hiện không có cuốn này. Bạn hãy nhắn tin trao đổi kỹ hơn với chúng tôi. Chúng tôi hy vọng nó sẽ được chuyển về trong khoảng 2 tháng nữa”. Chỉ có điều, không ai biết hai tháng sau thì vị khách nước ngoài kia còn ở Việt Nam nữa hay không!

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.