Trung tá Nguyễn Văn Phương, Phó Chính ủy Trung đoàn, Bí thư Đoàn Cơ sở cho biết, vì là đơn vị chủ lực nên quân số đông, cường độ huấn luyện, rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) rất cao. Hằng ngày, nhiều cán bộ, chiến sỹ hay uống nước giải khát xong vứt bừa bãi các loại chai lọ, lon nước ngọt gây mất mỹ quan đồng thời đơn vị mất một khoản thu đáng kể. Từ năm 2013, đơn vị phát động phong trào mỗi chi đoàn xây dựng một “Ngôi nhà rác” rộng 4m2, làm bằng khung sắt kiên cố, trên lợp tôn.
Khi dọn vệ sinh, rác thải được thu gom rồi phân loại theo từng nhóm. Loại nào tái chế được, thu gom để bán; loại nào phải tiêu hủy thì đem đốt. Ban đầu, một số cán bộ, ĐVTN chưa quen với cách làm mới nên chai lọ sử dụng xong bị vứt đi nhiều. Qua giáo dục, tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay phong trào thu nhặt chai, lọ vào “Ngôi nhà rác” trở thành nề nếp, ăn vào ý thức của mỗi người. Hiện, có 24/24 chi đoàn trong Đoàn cơ sở đã có “Ngôi nhà rác”.
Đại úy Trần Văn Dũng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 9, Bí thư Liên chi đoàn nhẩm tính: Mỗi vỏ lon bia giá 350 đồng, mỗi kg chai lọ nhựa giá thị trường gần 10.000 đồng. Trung bình quân số một Đại đội là 100 đồng chí, hàng tháng số chai lọ qua sử dụng thu gom bán cũng được trên 450 ngàn đồng. Với số tiền này sẽ tổ chức cho sinh nhật đồng đội, mua giấy màu, mua bóng đá, bóng chuyền, mua ghế đá, cây cảnh…
Tuy số tiền chưa nhiều nhưng mang lại ý nghĩa giáo dục rất lớn. Trước hết, đơn vị có kinh phí để hoạt động, đồng thời giáo dục cán bộ, ĐVTN ý thức tiết kiệm, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường và tránh được lãng phí. Bên cạnh đó, những con đường trong đơn vị giao cho các chi đoàn bảo vệ, chăm sóc, vệ sinh gọi là “Đường thanh niên tự quản” nên cảnh quan môi trường đơn vị luôn “xanh, sạch, đẹp”.