Độc đáo Lễ hội Ná Nhèm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc cho mưa rét, ngày 15 tháng Giêng vừa qua, gần chục nghìn lượt người đến với hội Ná Nhèm- một lễ hội xuân truyền thống có từ 300 năm của người dân tộc Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Từ khi khôi phục (2012) tới nay, lễ hội Ná Nhèm ngày càng khẳng định những giá trị và vị trí của nó đối với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương. Với những giá trị và vị trí đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội Ná Nhèm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Vùng không gian thiêng của lễ hội Ná Nhèm là nơi diễn ra các hoạt động tế lễ Thành hoàng, thần linh, đức Vua để tỏ lòng thành kính, nhớ ơn công lao của tiên tổ, thánh thần trong việc phù hộ độ trì để nhân dân đánh giặc giữ làng giữ nước, mặt khác thể hiện mong muốn phòng tránh thiên tai, dịch bệnh, cầu mong mùa màng bội thu.

Sự cố đáng tiếc

Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Do trời mưa to, gió thổi mạnh và có sự tác động của người hiếu kỳ nên khi di chuyển chiếc khăn phủ trên Tàng thinh bị tuột ra. “Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và tiếp thu ý kiến về hình dáng, màu sắc của Tàng thinh cũng như công tác tổ chức để lễ hội Ná Nhèm lần sau trọn vẹn hơn”, bà Loan nói.

Điểm nhấn và đặc sắc nhất của lễ hội là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đông đúc. Năm nay, Tàng thinh dài 1,25 m, đường kính 22 cm và nặng khoảng 40 kg. Đúng 9 giờ 30 phút ngày 15 tháng Giêng, “của quý” được 4 thanh niên trai tráng cẩn trọng rước từ đình làng Mỏ qua nhiều khu vực ruộng lúa của nhân dân trong vùng đến nơi tổ chức lễ hội xuân ở trung tâm xã.

Ông Hoàng Văn Cứng, người chế tác Tàng thinh cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Trấn Yên, gắn bó với việc làng, việc xã từ nhỏ. Vốn là người khéo tay, lại có nghề làm thợ mộc nên được già làng, cán bộ thôn, bản tin tưởng giao cho việc làm đồ cúng tiến này.

Ông Cứng đã làm vài Tàng thinh vào các năm trước nên cũng không còn bỡ ngỡ. Ông cẩn trọng xem lại sách vở, học hỏi những hình ảnh lễ hội Ná Nhèm xưa sau đó lên ý tưởng thể hiện. Khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, ông Cứng cùng con cháu trong gia đình tiến hành làm cật lực trong vòng một tuần thì xong.

Độc đáo Lễ hội Ná Nhèm ảnh 1

Lễ rước Tàng thinh. Ảnh: Duy Chiến

“Tàng thinh năm nay, tôi làm bằng gỗ xoan có độ bền cao. Để cho hình ảnh đẹp, tôi đã phun dầu lót vừa chống mối mọt vừa có độ bóng sáng. Ngoài việc cúng tiến Tàng thinh, gia đình tôi còn giúp lễ hội quê nhà sơn sửa dụng cụ đao, kiếm miễn phí”, ông Cứng chia sẻ.

Ông Phạm Bá Phương, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết: Ngoài “Tàng thinh”, tại lễ hội Ná Nhèm, dân làng còn tổ chức rước vật tế mặt nguyệt (tượng trưng cho sinh thực khí nữ) được tạo hình từ hai chiếc mẹt cỡ lớn úp mặt vào nhau, trên có tô vẽ hình âm dương nhiều màu sắc cùng hai chữ "Bình An". Theo tục lệ, mỗi năm Tàng thinh và mặt nguyệt sẽ được làm mới bởi năm trước đã siêu hóa. Đó là 2 trong 5 linh vật được cúng tiến, đưa rước trong lễ hội độc đáo này.

PGS, TS Đoàn Thế Hanh, Học Viện Chính trị, quốc gia Hồ Chí Minh, người đã nhiều năm nghiên cứu Lễ hội Ná Nhèm chia sẻ: Đây là lễ hội độc đáo, nhiều màu sắc và ấn tượng nhất trong những lễ hội tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG