Doanh nhân Thái Hương muốn làm thực đơn chuẩn cho người Việt

Chương trình sữa học đường mang tên Vì tầm vóc Việt do Tập đoàn TH triển khai tại Nghệ An – một trong những bước quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án Dinh dưỡng người Việt.
Chương trình sữa học đường mang tên Vì tầm vóc Việt do Tập đoàn TH triển khai tại Nghệ An – một trong những bước quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án Dinh dưỡng người Việt.
TP - “Khi làm ngành thực phẩm, mình phải truyền tải đầy đủ những giá trị cốt yếu về dinh dưỡng, về cách ăn uống tốt cho sức khỏe cộng đồng. Tôi nghĩ mình đang làm được việc đấy”- nữ doanh nhân Thái Hương chia sẻ về mong muốn “bày biện” bữa ăn cho cả nước…
Bữa ăn dưới con mắt doanh nhân
Dưới góc nhìn của một doanh nhân, bữa ăn ắt hẳn là một dự án kinh doanh, thậm chí là một mảng kinh doanh hiệu quả, “chắc ăn” vì đó là hàng hoá thiết yếu hàng ngày. Hàng hoá thực phẩm an toàn lại càng cần thiết hơn, bởi, như dân gian đúc kết: “bệnh tòng khẩu nhập” - tức bệnh từ đường ăn uống mà vào người. Nhưng nghĩ kỹ hơn, kinh doanh thực phẩm kiếm lời là một chuyện, còn vừa vì lợi nhuận, vừa vì sức khoẻ, mà lại là sức khoẻ của cả giống nòi, không phải ai, doanh nhân nào cũng muốn và dám làm.

Gần đây, tham vọng thực thi những ý tưởng “bao đồng” như thế đã thi thoảng xuất hiện trong đội ngũ doanh nhân nước ta và bà Thái Hương là một đại diện trong số đó. Đã loáng thoáng nghe cái dự định trở thành “người đầu bếp tử tế” – tức không chỉ cung cấp sữa – của bà Thái Hương từ lâu, nhưng mới đây, bà chính thức trình làng kế hoạch này trong hội thảo quốc tế về “Dinh dưỡng người Việt” hôm 13/12/2018. 

Hội thảo do bà lĩnh xướng với sự chấp thuận, bảo trợ của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tại hội thảo, chuyên gia trong nước và quốc tế chỉ ra tầm quan trọng của bữa ăn an toàn, lành mạnh đối với sự phát triển thể chất, trí tuệ và lợi ích về mặt y tế dự phòng. Các diễn giả chỉ ra, kể cả khi không còn thiếu ăn, nếu ăn uống không đúng cách dẫn đến béo phì, tiểu đường… lại là cái họa cần dẹp.  

Doanh nhân Thái Hương muốn làm thực đơn chuẩn cho người Việt ảnh 1Doanh nhân Thái Hương

Với vai trò lĩnh xướng, Tập đoàn TH đề xuất đề án Dinh dưỡng cho người Việt với các giải pháp nhằm thiết lập thực đơn cho trẻ sơ sinh, học sinh, người lao động, người già, người bệnh, người tập thể thao… “Mình ăn uống sạch để sống khỏe mạnh hạnh phúc hơn và cuối cùng là đỡ chi phí chữa bệnh. Đề án Dinh dưỡng cho người Việt có thể tóm tắt như vậy” – bà Thái Hương nói.

Một doanh nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân đứng ra lo việc quốc gia đại sự như vậy có hợp lẽ không? Thì đây, bà lý giải cái “bổn phận” của mình bằng chính lời của Giáo sư Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản -  một diễn giả đáng chú ý tại hội thảo: “Sau khi được lắng nghe những trình bày, nhất là phần của Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Nhật Bản về Luật Dinh dưỡng, tôi muốn nhấn mạnh Điều 12 (của Luật Dinh dưỡng Nhật Bản - PV) về trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Khi làm ngành thực phẩm, mình phải truyền tải đầy đủ những giá trị cốt yếu về dinh dưỡng, về cách ăn uống tốt cho sức khỏe cộng đồng. Tôi nghĩ mình đang làm được việc đấy”.

Hình như, trong nhiều góc độ, tình huống khác nhau ở bà Thái Hương vẫn loé lên cái thế đứng đĩnh đạc đáng ra phải có nhiều hơn của doanh nhân Việt trước làn sóng hội nhập đang ùa vào. “Khi hội nhập CPTPP rồi, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập, cùng sự sính ngoại của người Việt sẽ dẫn tới Việt Nam trở thành thị trường đen, bẩn cho người Việt mình. Điều đó là không thế được” - bà nói giữa hội nghị.

Không cần tiền, chỉ xin luật chơi 

Việc bà Thái Hương đứng ra tổ chức hội thảo về dinh dưỡng người Việt cũng để bàn thêm về điều quan trọng. Đó là cơ chế, là quy định, quy chuẩn sản phẩm -  hay nói dân dã hơn là một luật chơi sòng phẳng. 

Tưởng dễ mà khó, không tốn ngân khố mà trầy trật chưa xong. Nữ doanh nhân tầm cỡ, không ngại va chạm này kể lại đoạn trường dang dở về việc đưa tên sữa về đúng thông lệ quốc tế, bỏ tên “sữa tiệt trùng” đang dùng để chỉ loại sữa nước làm từ sữa bột (quốc tế gọi là sữa pha lại) mà bà khởi xướng mấy năm qua. 

“Tôi tính không sai là đã tham dự 82 cuộc họp để xin các bộ ban ngành thực hiện đúng chức năng của mình, đó là ghi rõ nhãn mác bao bì. Hộp sữa tốt hay xấu, chất lượng thế nào đều nằm trong nguyên liệu đầu vào. Vì thế, minh bạch trong cách gọi trên ghi bao bì là rất quan trọng. “Tiệt trùng” hay “thanh trùng” chỉ là tên gọi công nghệ sản xuất. Mấy chục năm qua, ta cứ ghi là “sữa tiệt trùng”, “sữa thanh trùng” mà bỏ qua vấn đề là loại sữa gì được tiệt trùng, là sữa bột tiệt trùng hay sữa tươi tiệt trùng” – bà thổ lộ.

Doanh nhân Thái Hương muốn làm thực đơn chuẩn cho người Việt ảnh 2 Học sinh TH School học kỹ năng nấu ăn, pha đồ uống

Nói ra điều đó, bà biết sẽ “động chạm” nhưng vẫn phải nói vì sự kỳ vọng vào những lãnh đạo bộ ngành trẻ trung, tâm huyết (tên gọi sữa nằm trong quy chuẩn sữa dạng lỏng đã được Bộ Y tế lấy ý kiến, thống nhất sửa đổi nhưng trong quá trình sửa đổi, công việc này được chuyển sang Bộ Công Thương - PV). 

Quan trọng hơn, bà kiên trì để người tiêu dùng hưởng lợi và doanh nghiệp đỡ phải nhọc công giải quyết những chuyện ngoài rìa. Bà nói: “Tôi không xin Chính phủ ngân sách, không xin cho dự án công nghệ cao được bao nhiêu tiền mà tôi xin Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế. Để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, sống với nhau văn minh hơn, để đỡ chèn ép nhau, đưa ra những thông tin giả mạo, sai lệch bản chất. Điều đó dẫn tới người làm thật phải đi giải quyết những vấn đề từ thông tin sai lệch. Như vậy không công bằng. Sự phát triển của xã hội, nền kinh tế bị chững lại chính là do những tiêu chuẩn, quy chuẩn”.
Với đề án Dinh dưỡng cho người Việt, các chuyên gia chỉ rằng cần chuẩn hoá về hàm lượng dinh dưỡng của bữa ăn, trước hết là bữa ăn học đường. Cũng như tên gọi của sữa, cái bà Thái Hương trông chờ không phải là những khoản hỗ trợ mà là một hành lang pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng. “Tôi mong hội thảo sẽ nhen nhóm, tiếp lửa cho mọi người đứng về phía sự minh bạch và đòi hỏi Chính phủ, các bộ ban ngành tham gia vào quy trình này” – bà Thái Hương đề nghị.

“Chúng tôi chấp nhận đấu tranh không phải để bước lên bục vinh quang, mà để mang lại giá trị sống đích thực cho bản thân, gia đình, xã hội”.

Doanh nhân  Thái Hương


“Khi làm ngành thực phẩm, mình phải truyền tải đầy đủ những giá trị cốt yếu về dinh dưỡng, về cách ăn uống tốt cho sức khỏe cộng đồng. Tôi nghĩ mình đang làm được việc đấy”- nữ doanh nhân Thái Hương chia sẻ về mong muốn “bày biện” bữa ăn cho cả nước…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.