Doanh nghiệp Việt 'đứng ngồi không yên' vì căng thẳng Biển Đỏ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Căng thẳng tại Biển Đỏ đang khiến chi phí vận chuyển sang Mỹ, châu Âu tăng vọt. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên vì như "giáng cú bồi" vào những khó khăn ngay từ đầu năm mới. 

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, từ đầu tháng, hàng loạt hãng tàu đã thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, châu Âu (EU) và các nước. Các hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đều thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Nguyên nhân do căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến khoảng 80% lượng hàng đi bờ đông nước Mỹ, Canada và EU đi qua kênh đào Suez phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) để tránh bị tấn công, dẫn tới hành trình mất thêm 7-10 ngày.

Theo ông Hòe, hiện cước đi bờ Tây Mỹ trong tháng 1 tăng lên 2.873 - 2.950 USD (tăng thêm 55-60%) so với tháng trước đó. Cước đi Bờ đông Mỹ tăng nhiều hơn, từ 2.600 USD lên 4.100 - 4.500 USD (tăng thêm 58-73%). Riêng cước đi EU, cước vận chuyển đi Hamburg (Đức) đã tăng khoảng 3,5 lần, từ 1.200 - 1.300 USD lên 4.350 USD - 4.450 USD.

Doanh nghiệp Việt 'đứng ngồi không yên' vì căng thẳng Biển Đỏ ảnh 1

Các doanh nghiệp thủy sản đang lo lắng vì giá cước phí tăng cao trong bối cảnh ngành vẫn chật vật phục hồi

“Điều này khiến hoạt động vận chuyển của các doanh nghiệp thủy sản sang thị trường Mỹ, châu Âu gặp nhiều khó khăn. Chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Hòe cho hay.

Trước tình trạng này, VASEP đã có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tham mưu cho lãnh đạo bộ này hoặc có các giải pháp, tác động để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung giảm áp lực lớn về chi phí vận tải tăng cao như hiện nay.

Ông Phạm Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản - cho biết, trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp xuất 5-10 container hàng hóa xuất sang các thị trường EU, Mỹ... Tuy nhiên, từ khi xảy ra căng thẳng ở Biển Đỏ, cước tàu biển tăng quá nhanh khiến hoạt động xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và các mặt hàng gia vị của doanh nghiệp này bị ảnh hưởng đáng kể.

Hiện cước tàu biển từ Việt Nam đi Mỹ tăng hơn 100% tức từ gần 2.000 lên 4.500 - 5.000 USD Mỹ/container; đi đến khu vực Trung Đông, cụ thể là Israel tăng hơn 200%, từ 1.800 lên 6.000 - 7.000 USD/container. Đáng chú ý là hàng hóa từ Việt Nam đến thị trường EU tăng từ mức 600 lên 4.000 USD/container.

“Giá cà phê nguyên liệu tăng cao, nay cước phí cũng theo đà tăng lên khiến chi phí ngày từ đầu năm của doanh nghiệp tăng lên khá nhiều. Đáng lo nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ bởi rất khó xoay sở hơn với các hợp đồng đã ký. Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ rất chật vật bởi sức mua tại các thị trường châu Âu, Mỹ vẫn còn yếu, lạm phát còn ở mức cao”, Chủ tịch Phúc Sinh Group chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt 'đứng ngồi không yên' vì căng thẳng Biển Đỏ ảnh 2

Cước phí vận chuyển bằng đường biển sang một số thị trường ở EU đã tăng gấp 3,5 lần.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, về nguyên tắc, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đi các khu vực bị ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại đều gặp phải vấn đề cước tăng cao. Doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo rồi mà cước tăng thì phải chấp nhận.

Tuy nhiên, theo ông Bình, nhờ đã chốt hợp đồng giá vận chuyển với hãng tàu từ trước, nên hàng chục container gạo đi EU ở thời điểm hiện tại của Trung An vẫn không bị tác động, dù doanh nghiệp ký giá CIF (bên bán chịu mọi chi phí cho đến khi hàng hóa được giao tại cảng của bên mua). Như vậy, chi phí vận chuyển tăng cao ở thời điểm hiện tại hãng tàu sẽ chịu.

Trường hợp doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo nhưng chưa có hợp đồng vận chuyển với hãng tàu sẽ bị thiệt hại nếu tại thời điểm giao hàng giá cước vận chuyển tăng. Còn nếu doanh nghiệp bán giá FOB (giá tại cửa khẩu của nước bên bán), người mua sẽ chịu mọi vấn đề phát sinh của cước tàu.

“Trường hợp cước vận tải tăng cao như hiện nay tiếp tục kéo dài, gánh nặng sẽ đè lên vai cho cả chuỗi ngành hàng, tức cả người bán lẫn người mua”, ông Bình cho hay.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, logistics cần theo dõi, cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp để chủ động kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu.

Với các doanh nghiệp, Cục này cho rằng cần đa dạng hóa nguồn cung, tìm hiểu phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Doanh nghiệp cũng cần mua bảo hiểm phòng ngừa rủi ro, tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.

MỚI - NÓNG