NHNN cho biết trong bối cảnh chênh lệch lãi suất cho vay bằng VND cao hơn lãi suất cho vay bằng ngoại tệ (khoảng 3%), việc cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp hơn giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Việc cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu giúp các tổ chức tín dụng có cơ hội quản lý và thu hút được nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, khách hàng không bị rủi ro về tỉ giá”, NHNN cho biết.
Cũng theo NHNN, cần tiếp tục duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỉ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỉ giá và rủi ro khác liên quan.
Ngoài ra, dự thảo cũng lưu ý quy định việc bán ngoại tệ để cân bằng trạng thái. Theo đó, việc cho vay ngắn hạn nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam và khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu phải trả nợ vay ngay.
Cụ thể, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Thống kê đến hết 10 tháng đầu năm 2017, tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2016 chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tín dụng bằng ngoại tệ tính đến cuối tháng 10 ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,4%).