Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - DPM) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên. Theo đó, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm nay khoảng hơn 17.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 2.670 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ dự kiến giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế.
Đạm Phú Mỹ cho biết sẽ tiếp tục củng cố vị thế nhà sản xuất phân bón lớn nhất Việt Nam; đồng thời, mở rộng sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoá chất cơ bản và hoá chất hoá dầu.
Trước đó, trong năm 2022, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 6.400 tỷ đồng. Giá bán phân đạm đạt mức cao kỷ lục trong khi chi phí nguyên vật liệu không tăng quá cao đã giúp công ty đạt mức lợi nhuận kỷ lục, cao nhất kể từ khi công ty được thành lập.
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) cũng vừa công bố kế hoạch sản xuất năm 2023, trong đó đặt mục tiêu đạt hơn 13.400 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Các doanh nghiệp giảm mạnh mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh giá phân bón hạ nhiệt. |
Theo kế hoạch, DCM dự kiến sản xuất hơn 880.000 tấn Đạm Cà Mau và 160 nghìn tấn NPK. Đáng chú ý, các chỉ tiêu kinh doanh của DCM đều thấp hơn nhiều so với kết quả đạt được năm 2022.
Năm 2022, DCM ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 15.900 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục hơn 4.280 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Con số này lớn hơn tổng lợi nhuận của cả 5 năm liền kề trước đó cộng lại.
Với chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2023 mà DCM vừa đặt ra chỉ bằng 1/3 kết quả đạt được năm ngoái.
Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón lớn khác là Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) cũng vừa trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022. Năm nay, công ty dự kiến tổng doanh thu đạt gần 7.500 tỷ đồng và 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, giảm 24% về doanh thu và 6,9% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2022.
Mục tiêu kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp phân bón được giữ ở mức thấp trong bối cảnh giá phân đạm được dự báo sẽ đạt từ 400 - 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022.
Cùng với đó, một số tín hiệu cho thấy một số quốc gia xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới như Nga và Trung Quốc có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón vốn duy trì trong suốt năm ngoái, khiến nguồn cung trên thị trường tăng lên
Dù chi phí sản xuất (giá khí đốt tự nhiên) đang trên đà giảm, nhưng việc giá phân bón hạ nhiệt sẽ khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón chịu tác động tiêu cực từ lượng hàng tồn kho khá lớn được sản xuất với chi phí cao trước đó.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I, cả nước xuất khẩu 404.912 tấn phân bón các loại, tương đương 183,5 triệu USD, giảm 14,6% về khối lượng, giảm 40,2% về kim ngạch so với quý I.
Riêng tháng 3, cả nước xuất khẩu 126.638 tấn phân bón các loại, đạt 54,6 triệu USD, giá 431,3 USD/tấn, giảm trên 16% cả về khối lượng và kim ngạch.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 26% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.