Doanh nghiệp giữa rừng thủ tục: Loay hoay tự vệ

Doanh nghiệp vẫn vướng nhiều rào cản trong hoạt động. (Trong ảnh, đại diện các DN chờ làm thủ tục đăng ký kinh doanh)Ảnh: minh họa 
Doanh nghiệp vẫn vướng nhiều rào cản trong hoạt động. (Trong ảnh, đại diện các DN chờ làm thủ tục đăng ký kinh doanh)Ảnh: minh họa 
TP - Sau 20 năm ban hành, Luật Doanh nghiệp đã tạo điều kiện, mở ra bước ngoặt mới cho nền kinh tế Việt Nam thông qua việc công nhận, bảo vệ và từng bước tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại điểm nghẽn trong thực thi chính sách; DN vẫn thiếu công cụ tự vệ chính đáng.

Từng bước “cởi trói” cho DN

Tại hội thảo 20 năm Luật Doanh nghiệp, thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp đã thổi luồng gió mới vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Sự “cởi trói” cho DN tư nhân được thể hiện qua các lần cải cách Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1991 với nội dung sơ sài. Tinh thần triết lý bao trùm của luật là “đã kinh doanh, phải xin phép” và “có phép mới được quyền kinh doanh”.

“Phép ở đây không chỉ là giấy phép mà là được sự đồng ý (dưới nhiều hình thức) của công chức nhà nước có thẩm quyền.Thành lập DN cần qua 2 giai đoạn xin phép thành lập và đăng ký kinh doanh. Hầu như hoạt động của DN đều phải được phép của cơ quan công chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Cung đánh giá.

Theo ông Cung, Luật DN 1999 thay đổi toàn bộ căn bản triết lý và khung pháp lý của luật cũ.  Luật bỏ chế độ “làm gì cũng phải xin phép”. Quản lý nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Luật DN 2005 mở rộng đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh. Luật DN năm 2014 tiếp tục tinh thần cải cách của các phiên bản luật DN trước đó. Một số cải cách cụ thể theo xu hướng tốt hơn như: Quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành kinh doanh có điều kiện. Chỉ Quốc hội mới có quyền quyết định ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 1999, lần đầu tiên DN có tiếng nói khi xây dựng luật. Điều này đánh dấu cột mốc của sự phối hợp giữa VCCI và cơ quan nhà nước như CIEM trong các hoạt động như xây dựng chính sách, lắng nghe ý kiến DN.

Ông Michael Krakowski, Cố vấn trưởng, Giám đốc chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, Tăng trưởng xanh của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đánh giá, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp đánh dấu thay đổi tư duy cơ bản trong cách quản lý nhà nước. Quyền tự do kinh doanh của người dân được thực hiện và tạo điều kiện cho khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân phát triển. Từ đó, đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Miếng đất màu mỡ cho thanh tra kiểm tra

Theo ông Nguyễn Đình Cung, mặc dù có những cải cách nhưng vẫn còn nhiều vấn đề như chi phí tuân thủ còn cao, rủi ro tuân thủ pháp luật. DN đối mặt rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Thực tế DN gặp rất nhiều vướng mắc trong tuân thủ các điều kiện kinh doanh do bộ, ngành đặt ra. Tuy nhiên, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh  chỉ được thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Các bộ khi cắt giảm thủ tục hành chính chỉ mang tính phong trào.

Đặc biệt, rủi ro trong kinh doanh còn phức tạp và ngày càng tinh vi. Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép thực hiện hậu kiểm, quản lý nhà nước chỉ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ rủi ro, vi phạm cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hậu kiểm, thanh tra kiểm tra có thiên hướng phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đỡ DN tuân thủ pháp luật.

Ông Nguyễn Đình Cung bày tỏ, khi sửa Luật DN lần này (đang xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV) điều đầu tiên phải sửa là tư duy, sửa vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, rồi mới sửa hệ thống văn bản pháp luật. Phải có tư duy thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản. Các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất.Yêu cầu đầu tiên có lẽ là phải bỏ thanh tra ngành. Nếu DN vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa.

Để đảm bảo sự ổn định của Luật DN, Luật sư Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự) cho rằng, cơ quan chức năng nên xây dựng một số nguyên tắc cốt lõi. Tiêu biểu như: vấn đề sở hữu doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của DN; Bảo đảm thuận lợi cho người dân, nhà đầu tư gia nhập thị trường. 

“Mỗi năm Quốc hội ban hành 20 luật, dưới luật là nghị định, thông tư hướng dẫn, chưa kể công văn điều hành. Luật không đổi, nghị định không đổi nhưng thông tư có thể đổi. Thông tư các bộ ban hành hướng dẫn thi hành có sự tuỳ ý. Ở đây là miếng đất màu mỡ cho thanh tra kiểm tra DN, là nguồn gốc của những rủi ro trong tuân thủ luật pháp ở Việt Nam”.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM

MỚI - NÓNG