Trao đổi với Tiền Phong chiều cùng ngày, đại diện Stella Việt Nam xác nhận thông tin trên và cho biết, Stella là công ty dược Việt Nam duy nhất trong số 27 công ty trên toàn thế giới được Tổ chức MPP cấp giấy phép lần này.
Thông tin được MPP công bố cho thấy, việc xét duyệt dựa trên nguyên tắc: Các công ty được cung cấp giấy phép con đã chứng minh khả năng đáp ứng những yêu cầu của MPP về năng lực sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng thuốc.
Ông Charles Gore, Giám đốc điều hành MPP cho rằng, việc cấp phép cho doanh nghiệp tại một số quốc gia sản xuất Molnupiravir là bước đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận khẩn cấp phương pháp điều trị COVID-19 trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng tại 51 tỉnh, thành. Kết quả cho thấy, thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt. Sau 5 ngày điều trị, tải lượng virus của các bệnh nhân tham gia thử nghiệm xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.
Stella Việt Nam là một trong 27 doanh nghiệp trên thế giới và là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được Tổ chức MPP cấp giấy phép sản xuất loại thuốc này. |
Trước đó, ngày 6/1, Bộ Y tế cũng đã chính thức cấp phép cho một số doanh nghiệp trong nước sản xuất thuốc điều trị COVID-19.
Đại diện Stella Việt Nam cho biết, việc tham gia thỏa thuận với Tập đoàn dược phẩm MSD thông qua MPP sẽ tạo điều kiện cho Stellapharm Việt Nam cung cấp sản phẩm Molnupiravir cho Việt Nam và 105 nước trên thế giới. Người dân đã có cơ hội tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 có nguồn gốc chính thống với giá cả hợp lý.
27 công ty ở 11 quốc gia được MPP cấp giấy phép sản xuất thuốc Molnupiravir bao gồm: Ấn Độ (10), Trung Quốc (5), Hàn Quốc (3), Nam Phi (2), Bangladesh (2), Ai Cập/Jordan(1), Kenya(1), Pakistan(1) Indonesia(1) và Việt Nam(1).
Trước đó, ngày 1/11/2021, Tập đoàn dược phẩm MSD đã có công văn số 016/2021-EA-MSD thông báo rằng họ đã ký thoả thuận với Quỹ Bằng sáng chế thuốc (Meidcines patent pool-MPP). Theo đó, các cơ sở sản xuất muốn được nhượng quyền tự nguyện để sản xuất thuốc Molnupiravir sẽ nộp hồ sơ tới MPP.
Ngay sau khi nhận được thông tin, hôm 25/11/2021, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Hiệp Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam. Theo công văn do Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Thanh Lâm ký, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam sớm thông báo đến các cơ sở sản xuất thuốc thành viên có nhu cầu liên hệ với MSD hoặc MPP để nộp hồ sơ nhằm trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc Molnupiravir.