Năng lực khẳng định vị thế
Theo ước tính của IQVIA Institute, doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 8% trong giai đoạn 2019 - 2023. Quy mô dân số đông, xu hướng già hóa và thu nhập tăng tương ứng với nhu cầu gia tăng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giúp ngành dược Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn.
Báo cáo tổng hợp, thị trường dược phẩm Việt Nam của VIRAC đánh giá quy mô thị trường đạt khoảng 6,2 – 6,4 tỷ USD/năm. Thị trường dược phẩm Việt Nam còn được dự báo sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tính chung trong quý 1 năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của nhóm ngành này đạt mức tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước.
Lạc quan hơn, bộ phận phân tích tại Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset dự báo, ngành dược phẩm sẽ tiếp tục duy trì CAGR 6% trong giai đoạn 2023 - 2028. Riêng năm 2024, giá trị ngành dược phẩm được dự báo tăng trưởng 9,1%.
Đang trong thời kỳ dân số vàng với khoảng 70% ở độ tuổi lao động, song Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo điều tra Quốc gia về người cao tuổi, có hơn 60% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu cần được chăm sóc. Nhu cầu sử dụng sản phẩm dược phẩm có xu hướng tăng cao trong nhóm người cao tuổi. Thực tế, Thu nhập bình quân đầu người của người dân kèm theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Theo Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, tiền thuốc bình quân đầu người hàng năm của người dân đã tăng từ 5 USD lên 70 USD/người/năm. Trên cơ sở đó, Fitch Solutions dự báo, doanh thu ngành dược Việt Nam có thể đạt hơn 216.000 tỉ đồng vào năm 2026.
Traphaco luôn tập trung đầu tư cho công nghệ, nghiên cứu khoa học |
Thị trường triển vọng như vậy nhưng mức độ cạnh tranh rất quyết liệt khi có tới 51 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 230 doanh nghiệp trong nước đạt tiêu chuẩn WHO-GMP đang hoạt động. Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất thuốc thông thường, cơ bản, mà ít chú trọng đầu tư cho các loại thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị, thuốc hiếm, thuốc phát minh....
Sân chơi ngành dược tạo ra độ khó, độ dốc song còn nhiều tiềm năng với các doanh nghiệp dám chơi lớn, nghĩ lớn, trong đó có CTCP Traphaco. Năm 2023, đánh dấu những bước ngoặt đáng chú ý của doanh nghiệp này trên cả 2 mặt trận đông dược và tân dược.
Ở mảng đông dược, Công ty nghiên cứu và tung ra các dòng sản phẩm phân khúc cao cấp. Ngoài nguồn dược liệu sạch đạt chuẩn GACP-WHO, mỗi sản phẩm đều sở hữu công thức độc đáo, duy nhất trên thị trường; đem đến hiệu quả mạnh mẽ và tiện dụng khi chỉ cần sử dụng 1 liều mỗi ngày, hỗ trợ điều trị nhiều tình trạng bệnh nặng, mãn tính.
Dòng đông dược cao cấp đã có 3 sản phẩm ra thị trường gồm: Bổ gan cao cấp Boganic Premium, Bổ não cao cấp Cebraton Premium, Tăng cường sinh lý nam Formenton Premium, doanh số nhóm năm 2023 tăng trưởng 1,6 lần so với cùng kỳ và tăng gấp 5 lần so với năm 2020 khi Boganic Premium ra mắt lần đầu tiên. Những con số này đã chứng minh các dòng sản phẩm chất lượng cao tiếp tục có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ở mảng thuốc tân dược, Traphaco tập trung vào sản phẩm công nghệ mới, thuốc tương đương sinh học và thuốc first generic. Các sản phẩm này được định danh là nhóm Tân dược chất lượng cao, điều trị các bệnh có dung lượng thị trường và nhu cầu rất lớn như: tim mạch, dạ dày, gan mật, tiểu đường và nhiễm khuẩn.
Sản xuất thuốc tân dược tại nhà máy Traphaco Hưng Yên |
Đến nay, Traphaco đã có 9 sản phẩm được Bộ y tế công bố tương đương sinh học với biệt dược gốc, công tác sản xuất các sản phẩm chuyển giao công nghệ với tập đoàn Daewoong, top 3 hãng dược phẩm lớn nhất Hàn quốc, đã bước sang giai đoạn 3 với 6 sản phẩm được tung ra thị trường như thuốc trị sỏi mật Acid Ursodeoxycholic, thuốc dạ dày DW-TRA RebaTot, thuốc hạ mỡ máu DW-TRA TimaRo. Tới đây có sản phẩm Bexita - thuốc phối hợp 2 hoạt chất điều trị tiểu đường, là xu hướng điều trị mới giúp sản phẩm dung nạp tốt, hiệu quả cao hơn, an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với thuốc đơn trị liệu.
12 sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 2 đã được các chuyên gia của Daewoong và Traphaco lựa chọn kỹ lưỡng, đều là những xu thế điều trị mới trong các nhóm thuốc có dung lượng thị trường lớn nhất Việt Nam, hứa hẹn mang lại doanh thu đột phá trên kênh điều trị cho Traphaco.
Bước vững bằng hai chân
Trong khâu sản xuất Traphaco tập trung vào thuốc đông dược và tân dược chất lượng cao, còn trong khâu phân phối sản phẩm, thế song hành cũng được công ty nỗ lực thực hiện trên cả 2 kênh OTC và ETC.
Lãnh đạo Công ty chia sẻ, chính sách kênh bán lẻ năm 2024 có nhiều thay đổi để vừa thu hút khách hàng lớn vừa tạo cơ hội cho các khách hàng nhỏ có ưu thế về 1-2 nhóm sản phẩm đặc thù. Nhờ vậy, tính từ đầu năm đến nay, số lượng khách hàng mới tăng mạnh ở tất cả các miền (hơn 1.500 khách hàng ký mới, tăng 6% so với năm 2023), doanh thu quý I/2024 đạt 104% kế hoạch.
Với kênh ETC, Traphaco đặt mục tiêu tăng trưởng 20% so với năm 2023. “Toàn kênh hệ thống điều trị ETC cả 3 miền đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về doanh thu ngay trong quý I/2024”, lãnh đạo công ty cho biết và kỳ vọng, một loạt chính sách mới trong ngành y tế được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ y tế của người dân, qua đó đưa kênh ETC tăng trưởng mạnh.
Triển vọng ngành tích cực, năng lực cạnh tranh cốt lõi luôn được cải thiện với ý thức nâng tâm và tầm của một thương hiệu dược phẩm lớn, Traphaco được kỳ vọng sẽ nhanh chóng xác lập thêm nhiều dấu ấn quan trọng trong thời gian tới.