Theo đơn tố cáo của Công đoàn Cty CP Cầu 12 gửi đến báo Tiền Phong, vào năm 2015, sau khi Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) cổ phần hóa, ông Định Ngọc Hệ (tức Út trọc, bị xử tù 12 năm vào tháng 7/2018 do sai phạm tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thái Sơn) ép Cienco 1 thoái vốn tại Cty CP Cầu 12 cho các công ty gia đình, như cty Thế Kỷ, An Khánh, Thiên Phú Hưng, Trường An Sài Gòn... từ đó thao túng tài chính Cty CP Cầu 12. Việc chiếm dụng tài sản Cty CP Cầu 12 của cổ đông lớn đưa doanh nghiệp được 3 lần phong Anh hùng này đến bờ vực phá sản và vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động.
Trong nhiều nội dung tố cáo có nội dung đáng chú ý: Nhóm cổ đông lớn bắt công ty này phải thuê 2 xe ô tô Landcruiser biển xanh và trả tiền thuê trước 2 năm bằng giá tiền mua 2 xe mới gây thiệt hại cho công ty hơn 4 tỷ đồng, trong khi Cty CP Cầu 12 còn nhiều xe ô tô khác có thể sử dụng. Theo hợp đồng thuê xe giữa Cty CP Cầu 12 với Cty CPTM đầu tư phát triển Đại Hùng Phát (Cty Đại Hùng Phát – tên cũ là Cty CPĐT thương mại Bình An) có trụ sở tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh ký kết ngày 1/3/2016. Cty CP Cầu 12 thuê xe Toyota Landcruiser có biển số 80M – 004.28 của Cty Đại Hùng Phát với giá 100 triệu đồng/tháng.
Tháng/5/2016, Cty CP Cầu 12 thanh toàn tiền đặt cọc 2 năm và trả phí thuê xe cho Cty Đại Hùng Phát số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Tra soát dữ liệu của cơ quan đăng kiểm cũng cho thấy, chiếc xe biển xanh trên do Cty CPĐT thương mại Bình An đúng tên chủ sở hữu, đăng ký năm 2013. Hiện, chiếc xe biển xanh trên đã chuyển sang xe biển trắng, do cá nhân sử dụng.
Việc thuê xe công trên không chỉ làm thất thoát tài sản của Cty CP Cầu 12 mà còn trái quy định về sử dụng xe công. Theo điều 10, Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, chỉ có lãnh đạo các Tập đoàn, tổng công ty và công ty Nhà nước mới được trang bị và sử dụng xe công.
Trong Nghị Định số 4/2019 của Chính Phủ (ban hành tháng 2/2019) thay thế Quyết định 32 trên cũng quy định chỉ có Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được sử dụng xe công. Thời điểm Cty CP Cầu 12 thuê và sử dụng xe công đã cổ phân hóa nên không còn là doanh nghiệp nhà nước.
Bởi vậy, việc thuê và sử dụng xe biển xanh trên của Cty CP Cầu 12 theo yêu cầu của cổ đông lớn trái với quy định của pháp luật. Công ty Bình An cũng đăng ký là công ty cổ phần ở thời điểm năm 2013 nên việc sử dụng xe biển xanh thời điểm đó cũng cần được làm rõ.
Theo Công đoàn Cty CP Cầu 12, các cổ đông lớn đã làm cho công ty này phải chịu số tiền bị chiếm dụng lên đến gần 310 tỷ đồng, dẫn đến kiệt quệ tài chính, nợ lương và bảo hiểm xã hội của cán bộ và công nhân gần 50 tỷ đồng.
“Chúng tôi gửi đơn tố cáo để cơ quan chức năng sớm làm rõ việc chiếm dụng tài sản trên của các cổ đông lớn và các doanh nghiệp có liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ. Đồng thời, chúng tôi cũng khởi kiện Cty CP Cầu 12 ra tòa vì vi phạm quy định đóng bảo hiểm xã và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về trục lợi bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp”, đại diện Công đoàn Cty CP Cầu 12 cho hay.
Ngày 29/7/2019, Cty CP Cầu 12 có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an về việc chiếm dụng tiền vốn của doanh nghiệp này. Trước đó, tháng 5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cũng có văn bản yêu cầu Cty cổ phần Cầu 12 cung cấp hồ sơ, tài liệu về cổ phần hóa và quá trình liên doanh, ký kết và thực hiện hợp đồng, công nợ giữa Cty cổ phần Cầu 12 với các công ty: Cty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Cty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Cty cổ phần Cái Mép, Cty CP Thương mại nước giải khát Khánh An, Cty xăng dầu Thái Sơn...