Đoàn trường phải biết lắng nghe...

Đoàn trường phải biết lắng nghe...
TP - Hướng tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, hôm nay (8-4), Đoàn trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên tổ chức Đại hội lần thứ 23, nhiệm kỳ 2012 - 2014. Th.s Nguyễn Hữu Toàn - Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm chia sẻ với Tiền Phong hướng đi trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên của nhà trường.

Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, Th.s Nguyễn Hữu Toàn :

Đoàn trường phải biết lắng nghe...

Để các phong trào do Đoàn trường phát động luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của ĐVTN, Đoàn trường đã có cách làm như thế nào?

Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy, với việc tạo điều kiện thuận lợi của Ban Giám hiệu, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, đoàn viên đã vượt qua nhiều khó khăn, triển khai có hiệu quả các chương trình công tác của Đoàn.

Đoàn Thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như thi Năng khiếu văn nghệ, giải Chạy đều thể thao, Giọng hát vàng sinh viên, Người dẫn chương trình tài năng... thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Đồng thời, chỉ đạo Hội Sinh viên phát động hai cuộc vận động theo hướng dẫn của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam là Sinh viên 5 tốt và Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực. Các hoạt động giáo dục truyền thống, tình nguyện, từ thiện cũng thường xuyên được tổ chức. Không chỉ chú trọng về tổ chức các hoạt động tập thể, Đoàn trường còn xây dựng và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả quỹ Khuyến khích tài năng trẻ, mỗi năm hàng chục triệu đồng đã được trao cho đoàn viên thanh niên. Nhiều ĐVTN đã được nhận học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế như Học bổng Vừ A Dính, Wantanabe - Kanba, Golf...

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, phát triển Đảng trong ĐVTN được chú trọng đặc biệt. Nhiệm kỳ qua, Đoàn trường đã giới thiệu được gần 1.000 đoàn viên ưu tú đi học lớp Bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, đã có 224 bạn trẻ trở thành đảng viên.

Với một trường đại học đặc thù như Đại học Sư phạm thì các hoạt động của Đoàn trường cần có những điều kiện gì khác?

Hỗ trợ phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là một nội dung công tác đặc thù của Đoàn thanh niên các trường Đại học sư phạm. Các hoạt động của Đoàn trường cần phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, để các bạn trẻ không chỉ có điều kiện nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm mà còn có cơ hội giao lưu, học hỏi với sinh viên các trường bạn, đặc biệt các trường trong khối sư phạm.

Sinh viên khoa Hóa, Đại học Sư phạm Thái Nguyên trong phòng thí nghiệm
Sinh viên khoa Hóa, Đại học Sư phạm Thái Nguyên trong phòng thí nghiệm.

Anh nghĩ gì về bệnh thành tích của một số cơ sở Đoàn? Đoàn trường Đại học Sư phạm đã làm gì để chống lại căn bệnh này?

Theo tôi, cần phải chủ động xây dựng những chương trình, có kế hoạch cụ thể, thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Đoàn cấp trên, chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Ban Chấp hành Đoàn trường phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ mọi hoạt động, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của ĐVTN, kịp thời khắc phục, cải tiến nội dung hoạt động. Có sự kiểm tra, giám sát các kế hoạch đã triển khai. Đặc biệt, trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, việc đề ra nội dung, mục tiêu chương trình hành động phải đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của Đoàn viên thanh niên. Ngoài ra, xây dựng, chỉ đạo tổ chức Hội sinh viên hoạt động tốt sẽ giúp Đoàn thanh niên phát triển vững mạnh.

Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới của Đoàn trường Đại học Sư phạm là gì?

Đoàn trường sẽ tập trung tổ chức Hội nghị học tốt nhằm giúp ĐVTN tìm ra phương pháp học tập phù hợp trong môi trường đào tạo theo học chế tín chỉ. Thông qua các hoạt động, Đoàn trường hướng tới xây dựng, hình thành nét văn hóa sinh viên sư phạm trong ĐVTN. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong tuổi trẻ nhà trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG