Đoản khúc 'những ngày cách ly'

Truyền thông thế giới ca ngợi sáng kiến ATM gạo “khó tin nhưng có thật” của Việt Nam
Truyền thông thế giới ca ngợi sáng kiến ATM gạo “khó tin nhưng có thật” của Việt Nam
TP - Cách ly - tù túng, bất tiện đủ đường nhưng cái hay là ta vỡ vạc được nhiều thứ để từ đó xốc lại, xác định lại các thứ tự ưu tiên - điều mà ngày thường bị ơ thờ bỏ bẵng.

ÐƯỢC VÀ MẤT

Dân ta nhiều người hóm thật, lại nhớ dai. Hôm rồi, có người đưa lại đoạn trích cũ “Gặp nhau cuối năm” trong đó Táo Qui hoạch Chí Trung tỉnh queo lý luận với Ngọc Hoàng: “Tắc đường là một phần tất yếu của cuộc sống. Đến một ngày đường thông hè thoáng, dân không chịu nổi đâu! Vừa rồi thần thử, ở trên hè thần cho thoáng đi, cử trợ lý xuống làm sạch sẽ luôn, ôi dân phản đối ầm ầm, anh trợ lý sợ quá trốn lên rừng ở ẩn. Bây giờ đường lại chật, hè lại chật, tất cả lại chật như xưa, dân thấy sung sướng nồng nàn ấm áp lắm!”.  

Buồn nhớ tháng ngày sôi động cũ là tâm trạng của số đông thời gian qua. Một Facebooker cảm khái: “Thành phố sôi ùng ục với cờ quạt chiêng chống đâu? Toàn gương mặt cười ngoác mang tai đâu mà giờ đây nó câm lặng, run rẩy và hoang vắng đến rợn người thế này”. Cũng như các thành phố “tâm dịch” Âu Mỹ, Hà Nội và TPHCM vừa qua đôi lúc bị gọi là “thành phố chết”  bởi vắng hoe và đi ngủ quá sớm.

Trong ba tháng qua, một số người quen của tôi gặp chuyện tang ma. Họ nói nhẹ cả người khi không phải nhận tiền phúng điếu vốn được quan niệm như món nợ, và không phải lo cỗ bàn linh đình để đáp lễ. Chỉ vì cách ly thôi đấy, mới có được sự “nhẹ người” này. Không phải “diễn” nữa, và tỏ ra hoành tráng nữa. Tang ma văn minh y như các nước tiên tiến vậy. (Nhân đây kêu gọi thêm lần nữa: Bỏ hẳn hủ tục bốc mộ cực kỳ lạc hậu dễ sinh bệnh cho người sống). 

Song song đó là sự tuyệt vời này: Thành phố xanh hơn, chất lượng không khí cải thiện, khí thải ít hẳn, đường sá sạch tinh tươm, thiên nhiên trở về đúng nghĩa thiên nhiên, không bị bức tử bởi những “kẻ ám sát đô thành” (Kẻ ám sát đô thành: nhại tựa truyện ngắn thú vị của Nguyễn Quang Thiều: Kẻ ám sát cánh đồng).

Như thế là vừa mất vừa được, phải không?

Mẹ họp trực tuyến ở phòng ngoài, con học trực tuyến ở phòng trong- hơn nửa tháng qua chắc nhiều người ở vào tình cảnh mẹ con tôi. “Ở vào tình cảnh” nghe có vẻ “hoàn cảnh”, thực ra chỉ con bị thiệt so với nghe giảng trực tiếp còn mẹ thấy họp online hiệu quả chẳng kém đến cơ quan- nói đùa là “giáp lá cà” với đồng nghiệp.

Zoom, Slack, Teams- những ứng dụng nổi tiếng thế giới nay được người Việt thao tác thành thục, một giải pháp tình thế đắc dụng. Văn phòng tại gia, tác nghiệp từ xa, họp trực tuyến- những động thái này sẽ khiến tiết giảm vô số chi phí các loại, bớt được bao cuộc họp hành và gặp gỡ vô bổ, nhất là với những cơ quan lớn có nhiều chi nhánh ở xa nhau. Không có mười mấy ngày “lịch sử” ta vẫn nhận ra điều đó nhưng có nó thì mới có một cuộc cách mạng kể từ đây? Vậy khi “hết hạn” thì lại xóa sổ sự tiện dụng kia, để quay về họp hành liên miên và đụng nhau chan chát kể cả khi không cần thiết, tốn điện tốn nước tốn xăng, đi lại như mắc cửi trên đường với nguy cơ chực chờ? Ít nhất cũng không bao giờ còn đường thông hè thoáng và thiên nhiên an lành nữa? Tai nạn giao thông hoàn toàn là câu chuyện “sống chết có số”, phó cho may rủi?

Cùng với văn phòng tại gia và tác nghiệp từ xa là mua sắm trực tuyến, giao lưu kết nối cộng đồng trực tuyến, kể cả cầu nguyện và thiền. Đi chợ dân sinh hoặc siêu thị sờ mớ rau con cá để trả tiền tươi thóc thật thì đương nhiên thú khoái rồi. Nhưng thói quen mua sắm chỉ bằng một cú nhấp chuột của người tiêu dùng sẽ đẩy tính cạnh tranh lên cao, sau đây có khi các doanh nghiệp không dám bình chân như vại nữa. Ví dụ, anh có dám khăng khăng giữ giá thịt lợn ngất ngư nếu tôi đầy lựa chọn, nào là thịt nhập khẩu mua qua mạng, nào thịt tươi ở chợ dân sinh “síp” đến nhà? Cùng một món hàng nhưng phải thuê mặt bằng đắt thì đương nhiên giá đắt hơn hẳn?Tất nhiên không phải ai cũng có điều kiện và cũng thích lên mạng mua sắm, nhưng đây là bài toán của tương lai đấy, mà cuộc giãn cách vừa qua có giá trị tập dượt.

Từ hồi bắt đầu ngồi nhà làm việc, tôi hàng ngày được bạn bè gửi cho những đường dẫn bài viết hoặc clip chỉ dẫn cách đối phó dịch bệnh. Có cái hay nhưng lắm cái nhảm, nhẹ dạ nghe theo thì toi đặc. Nhiều bài viết “ngoại” không rõ nguồn. Ví dụ bài của tỉ phú Bill Gates nói virus corona không tha ai nên Tom Hanks mới dính. Hóa ra là hàng “fake”, Bill Gates không hề nói thế.

Trong cái thế giới coi internet là cứu cánh và sùng bái mạng xã hội này, đến Tổng thống của đại cường Mỹ quốc còn phải chật vật chiến đấu với cái gọi là tin giả, tin độc. Cho nên ngày càng nhận ra: việc có được thông tin chuẩn xác minh bạch cũng cần thiết gần bằng hít thở khí trời. Báo chí từ đây càng nên sờ lên gáy mình còn người dùng mạng xã hội cũng thế. “Liều mình như chẳng có” đưa tin thất thiệt tổn hại lợi ích của cá nhân và tập thể thì có ngày lõm nặng (tiền bạc) thậm chí lâm vòng lao lý. Đưa ảnh người khác lên Facebook không xin phép cũng bị phạt tiền to thì biết rồi đấy.

Sùng Mí Sò là tên một cậu bé 12 tuổi ở miền núi Hà Giang. Sự khó sự khổ hiện cả lên gương mặt lẫn vóc dáng, còn hình ảnh gù lưng cõng thuê những tảng gạch dày hự nặng trĩu để kiếm 18 nghìn đồng/ngày lo mưu sinh cho gia đình 5 miệng ăn, được một nữ sinh đồng hương đưa lên mạng xã hội, lay động bao người. Chỉ ít ngày, tiền ủng hộ đã được 40 triệu, nhiều người nhận nuôi hoặc đến tận nơi thăm nom, quà cáp. Đây là câu chuyện mới nhất, vô cùng ấm áp về tình người trong dịch, về “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”...

Đôi khi tôi nghĩ, khó nhất trên đời là san sẻ tiền bạc bởi đồng tiền liền khúc ruột, của đau con xót, thế mà chúng ta xem việc chia sớt đó nhẹ tựa lông hồng, cưu mang cả những người không phải đồng bào, thì những việc khác càng dễ dàng mới phải? Hành xử đầy ý thức nơi công cộng, thượng tôn pháp luật và nhắc nhau giữ sức khỏe, tính mạng của mình và cộng đồng, chẳng hạn. Tiếc thay, nghịch lý là có thật. Khi trở về nhịp sống bình thường thì cái hay cái đẹp, sự cao cả lại có cơ không át nổi những thói hư tật xấu đã thành thâm căn cố đế.

“Truyện cổ Remix” là tên một trang thú vị chuyên hiện đại hóa truyện cổ và văn học kinh điển để gây cười. Có cái tranh vui không cổ nhưng cũng pha trò được: Cô gái “ngạo nghễ” nói với chàng trai muốn cưa tán cô rằng “Anh là ai mà đòi xin điện thoại của tôi? Đến Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế còn phải nhắn tin cho tôi hàng ngày đó”. Hihi. Là chuyện cười nho nhỏ nhưng phản ánh được một thông tin thời sự xã hội, đó là mối quan hệ không đến nỗi “giãn cách” giữa Chính phủ và nhân dân. Tin này cũng là tin tốt đây.

ÐỜI THAY ÐỔI KHI CHÚNG TA THAY ÐỔI

Nhịp sống chậm lại chưa lâu mà đây đó thỉnh thoảng lại xảy những sự vụ kỳ cục. Hết giật khẩu trang bạt tai người thi hành công vụ đến dọa nạt chửi bới, xô đẩy, chỉ vì bị nhắc đeo khẩu trang và các qui định phòng dịch khác. Ngông cuồng đua xe ngay Bờ Hồ tĩnh lặng. Bốn thanh niên nọ hùng hổ đấm đá, kẹp cổ đội chống dịch ở Quảng Ninh. Oách nhỉ, định làm “Đường Nhuệ, Đường Dương Quảng Ninh” chắc.

Đời này luôn có những kẻ bất tuân, nên không lạ. Và dịch dã cũng là phép thử, hay dở tốt xấu đều phát lộ. Đến các quốc gia hùng mạnh dịp này còn “lộ hết hàng”, trong hoạn nạn các đồng minh nhận ra chân tướng của nhau, nên là cãi nhau như mổ bò, nước nọ chê nước kia cư xử “kiểu miền Tây hoang dã”, “như cướp biển” (vì can tội cướp suất mua khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế). Nữa là mấy ông ôn dịch cao bồi thôn, càn quấy. Mấy ông bà cũng là một thể loại mắc dịch dù âm tính chăng nữa, làm ơn tiết chế. Hành hung cả thầy thuốc trong bối cảnh cam go, sinh tử bất kỳ này, có phải do chán đời lắm rồi?

Nổi tiếng nhất trong giới cách ly Việt Nam đương nhiên là Vũ Khắc Tiệp, tôi gọi là “lận đận đường cách ly”. Ngoài anh Tiệp, đầy người phàn nàn: “Không đến công ty (nơi được trang bị tận răng) thì không biết làm gì cho hết ngày”. Thế mới nói mỗi người mỗi tạng.  Nếu anh chị đã no đủ, không phải lo áo cơm thì sách đấy phim đấy, hoặc dạy dỗ trò chuyện với con cái, dọn nhà dọn cửa, thể dục thể thao... Không thì đầy diễn đàn hữu ích mở ra để sẻ chia kinh nghiệm sống và cả kinh nghiệm hưởng thụ: Nghiện nhà, Thích bếp, Trạm đọc...

145 con người “nhàn hạ” nọ, bị cách ly tại Trường Mầm non xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã bảo nhau trồng, chăm sóc vườn rau để cảm ơn nhà trường. Nhiều sinh viên vẽ tranh ghi lại những hành động đẹp ở nơi mình tá túc cách ly. Nhiều sáng kiến nảy ra để giúp đỡ người chung quanh, đặc biệt là tri ân các thầy thuốc và người phục vụ… Cách ly, tù túng mà vẫn sống đẹp, qua đẹp, là như thế đấy.

Dịch dã ai chả sợ. Cách ly, nào ai muốn. Nhưng nếu có cơ hội tập trận thì thao trường này không phí hoài trong trận đánh dài hơi đâu. Dài hơi và sống còn.

Đoản khúc 'những ngày cách ly' ảnh 1 Câu chuyện về cậu bé Sùng Mí Sò cõng thuê gạch lấy 18.000 đồng một ngày gây thương cảm trong những ngày đại dịch

Chẳng hạn, lâu nay, hóa ra ta sống tạm bợ, ở bẩn, ăn bẩn ăn thỉu mà không biết. Chỉ rửa tay khi uống ăn và vệ sinh cá nhân mà quên mất khu vực thang máy, tay nắm cửa, vô lăng và tay ga xe máy. Bằng lòng với nhà vệ sinh nhếch nhác. Lại còn tiền giấy qua tay bao người. Chả biết xịt khuẩn, sát khuẩn là gì. Đồng nghiệp Đình Thắng ở cơ quan kể, xưa giờ chưa có dịch cũng vẫn sợ nhất đi họp bị hắt hơi và nói bắn cả nước bọt sau gáy, sợ những cái bắt tay mà tay này không biết vừa từ đâu chui ra.

Giờ thì chúng ta nhớ phải làm gì rồi đấy. Làm ơn thận trọng trong giao tiếp, đứng cách nhau ra, tôn trọng quyền riêng tư (Qua dịch vẫn vậy nhé). Vào thang máy thì đừng buôn dưa lê bán dưa chuột, bắt người lạ chịu đựng chuyện riêng chuyện chung của mình nữa. Giữ vệ sinh nơi công cộng. Hiểu rằng sạch sẽ chính là văn minh, và văn minh là thứ cần học cả đời.

Biết từ chối cũng là một nghệ thuật: Từ chối nhậu nhẹt và lễ lạt, tiệc tùng vô bổ, quan cùng dân đều từ chối những gì không phải của mình, bớt tham lam để cận cảnh hơn vào những cảnh đời khó nhọc quanh mình. Thôi đánh võng ngoài đường nếu không có việc cần kíp. Cưới hỏi, tang ma văn minh. Hiểu sâu sắc rằng mỗi người chúng ta giằng buộc nhau bằng quan hệ cộng sinh, không chỉ thở chung bầu khí quyển  mà còn liên đới nhiều chuyện khác. Hết COVID cũng vẫn cần nằm lòng như thế.

 Thế giới này sẽ thay đổi mãi mãi. Một luồng dư luận cả quyết như vậy. Nhưng có một sự thật khác: con người vốn mau quên. Nhớ đấy mà quên đấy. Sẽ không lạ nếu sau đây ít lâu, người ta sẽ lại “như chưa hề có cuộc cách ly”. Bao bài học tưởng để đời từ đại dịch toàn cầu, chả mấy chốc quên tiệt cả. Bao cố gắng lại “về Mo”. Đời chỉ thay đổi khi chúng ta thay đổi mà thôi!

Ghen cô Vy bản tiếng Việt và vũ điệu ăn theo của Quang Đăng nổi như cồn, nay bản tiếng Anh mới phát hành hấp dẫn không kém. Cuộn xuống phía dưới thấy hàng nghìn bình luận từ khắp nơi trên thế giới khen ca khúc nghe thật thư giãn, khen nghệ sĩ Việt tài năng quá. Âm nhạc Việt lại đi ra thế giới bằng cánh cửa này thì bất ngờ thật. Nhưng đó thực sự là một ví dụ “trong rủi có may” của chúng ta còn gì. Vừa khoe được nét trẻ trung hiện đại của nhạc trẻ Việt Nam, vừa cho thấy tinh thần chống dịch của chúng ta: lạc quan, gắn kết.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.