> Vạch mặt 'kẻ' lũng đoạn thị trường bất động sản
Quyết giữ đất vàng
Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã đánh giá, hầu như cứ chỗ nào đẹp là các cơ quan hành chính, Tập đoàn, tổng công ty đều đóng trụ sở cả. Đây là một sự lãng phí lớn về nguồn lực đất đai.
Phần lớn, các cơ quan này nằm tại những vị trí đắc địa của các đô thị, trung tâm công nghiệp lớn, nhiều cơ quan còn có diện tích rất rộng.
Đơn cử như trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại 75 Đinh Tiên Hoàng - đối diện hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, trụ sở của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nằm tại 136 Hàm Nghi - đối diện nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh...
Trong khi đây là những mảnh đất có giá trị rất lớn mà theo như Cục này cho biết, khối tài sản của Nhà nước này đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản quốc gia.
Theo thống kê của Cục Quản lý công sản, đến nay, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước và cơ sở hoạt động có diện tích khoảng 1,5 tỷ m2 với tổng giá trị khoảng 594 nghìn tỷ đồng, và hơn 100 nghìn m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỷ đồng.
Trong đó, khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m2 bằng khoảng 80% diện tích.
Chính phủ đã yêu cầu phải sắp xếp, cơ cấu lại nguồn quỹ đất này theo hướng, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoài ngoại thành, hoặc ưu tiên dành đất tại trung tâm đô thị cho mục đích dịch vụ, kinh doanh thay vì mục đích sản xuất hay đơn thuần là làm trụ sở văn phòng.
Song, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục quản lý công sản nhận định: "Việc sắp xếp lại rất khó chủ yếu có tính bảo thủ, ngại va chạm". Tâm lý thể hiện rất rõ ở một số bộ ngành, đơn vị Nhà nước là chây ì, cố giữ đất.
Trong khi, đang thiếu vốn và cần nhanh chóng tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các đơn vị và các Bộ, ngành khi xem xét các phương án xử lý nhà đất, vẫn chủ yếu đối phó với cơ quan nhà nước để có thể được cho phép giữ lại nhiều nhà, đất.
Điều này đã dẫn đến tình trạng phương án đề xuất xử lý nhà đất không phù hợp và không khả thi khi thực hiện. Chưa kể, có trường hợp các đơn vị này đã không thực hiện đúng phương án sắp xếp nhà, đất như đã được phê duyệt.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc sắp xếp lại nhà đất ở các cơ quan hành chính, Tập đoàn, Tổng công ty vẫn chậm. Theo ông Cường, ở TP HCM đã triển khai sắp xếp tới 90% nhưng Hà Nội thì chưa được 50%.
Tính đến tháng 12-2011 đã có 71 Bộ, ngành trung ương, 17 Tổng công ty Nhà nước và 51/53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất với tổng số 117.498 cơ sở nhà, đất; với tổng diện tích 3,4 tỷ m2 đất và 106 triệu m2 nhà.
Riêng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hiện nay đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất, các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý mới được 9 triệu m2.
Trong đó chuyển nhượng gần 100 ngàn m2, thu hồi trên 300 ngàn m2, chuyển mục đich sử dụng đất trên 1,3 triệu m2, di dời do ô nhiễm môi trường 300 ngàn m2.
Lãng phí lớn
Một cuộc khảo sát của Cục Quản lý công sản cho thấy, chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay bình quân mới vào khoảng trên dưới 5%. Đây có thể có nguyên nhân là do tình trạng "giữ đất", để đất lãng phí.
Điều đáng bức xúc nhất là với ưu thế đất đai đều ở các vị trí đắc địa này, nhiều doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan hành chính sử dụng không hiệu quả.
Cá biệt có một số nhà, đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống, trong khi đó có rất nhiều tổ chức, cá nhân của các thành phần kinh tế khác không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh.
Ví dụ, Tổng công ty Lương thực Miền Nam có 351 mặt bằng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, là điển hình của mô hình tổ chức kinh doanh lương thực thời bao cấp.
Các điểm bản lẻ, các cơ sở kinh doanh lương thực của doanh nghiệp này nằm rải rác khắp các quận, huyện của Thành phố.
Khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, những phương thức kinh doanh cũ không còn phù hợp, các điểm bán lẻ trở thành một phần là nhà ở cán bộ công nhân viên, phần còn lại cho thuê, cho mượn, lấn chiếm.
Cho đến nay, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án 233 mặt bằng, trong đó số măt bằng giữ lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 30%, chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 2%, bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2%, số còn lại là Nhà nước thu hồi và chuyển giao ngành nhà, đất thành phố để quản lý và xử lý.
Cũng theo đánh giá của Cục, tại thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở đại diện của các Bộ, cơ quan Trung đa số đều có chiếm diện tích lớn ở các vị trí trung tâm thành phố song chủ yếu chỉ làm chức năng văn phòng đại diện. Điều này không tương xứng với nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới của các Bộ.
Một biểu hiện lãng phí khác là tình trạng, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp về đất đai.
Trong khi đó, các đơn vị này có thể được sử dụng nhà, đất vào mục đích cho thuê, sản xuất kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết.
Tuy nhiên, cơ chế cho phép tự chủ tài chính này chưa đủ mạnh, cơ quan quản lý khó xác định được tính chất sử dụng đất, kéo theo, vẫn không thể thu được tiền thuê đất nếu các đơn vị này sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Cục quản lý công sản khẳng định, đây là tình trạng thất thoát ngân sách nhà nước, làm giảm hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ nhà, đất.
Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay số thu từ sắp xếp nhà, đất là 24.812 ngàn tỷ đồng. Riêng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, số tiền thu được từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trên 15 ngàn tỷ đồng. |
Theo vef.vn