Sôi động từ chợ thật đến mạng ảo
Tại nhiều con phố thời trang ở TPHCM như Nguyễn Trãi (Q.1, Q.5), Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận)…, các trung tâm thương mại lớn Vincom, Saigon Center, Aeon, Gagimall, Vạn Hạnh mall…, cửa hàng, shop thời trang đều trang trí bắt mắt để thu hút khách mua hàng dịp Black Friday.
Rất nhiều sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồng hồ, điện thoại… có mức giảm hấp dẫn từ 20 đến 80%, sale 50%+, mua 1 tặng 1, mua 1 nhận 3… Một số cửa hàng dừng bán trực tuyến để tập trung xả đồ. Nhân viên quản lý một cửa hàng trên đường Đồng Khởi (Q.1) cho biết, đây là dịp tốt ăn theo Black Friday để tăng doanh số trước khi vào đợt hàng cuối năm, Tết...
Tại một shop giày thể thao thời trang trong Vincom, khách hàng ra vào tấp nập để chọn mua sản phẩm giảm giá 50%. Nhân viên cửa hàng cho hay, đã áp dụng chương trình khuyến mại từ vài ngày trước. Tuy lượng khách tăng, nhưng vào ngày thứ sáu 29/11 khách mới đến đông. “Tại cửa hàng em, mỗi sản phẩm giá trung bình 2 đến 3 triệu đồng nên khi giảm 50%, khách hàng không bỏ lỡ. Trong năm, cửa hàng chỉ có dịp này là sale mạnh nhất, giá giảm là không hề “ảo” - nhân viên khẳng định.
“Điều quan trọng người tiêu dùng Việt nên quan tâm là chúng ta rất dễ bị lừa trước thông tin giảm giá. Nhiều cửa tiệm nói “giảm sốc, giảm sâu” nhưng thật sự họ tăng giá lên rồi đưa ra mức giảm giá cao. Đây là một sự lừa đảo”.
Ông Hiếu khẳng định
Đang tập kinh doanh online, nhóm bạn Nguyễn Thị Mai Hương (sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế TPHCM) phân công nhau canh “giờ vàng” (giờ giảm giá mạnh nhất) ở nhiều quầy hàng như giày, quần áo, mỹ phẩm… để mua được hàng giá rẻ nhất. Sau đó, nhóm này lại lên mạng bán cho người có nhu cầu.
“Cách này nhiều người ở nước ngoài cũng đang làm, canh mua hàng sale rồi chuyển nhượng lại kiếm lời. Năm ngoái, tụi em kiếm được món tiền kha khá, và quan trọng hơn là nắm được nhu cầu khách hàng, nhìn hàng biết giá, đoán được lời hay lỗ. Chúng em muốn tập mua bán như vậy để kinh doanh chuyên nghiệp hơn sau khi ra trường” - Hương chia sẻ.
Mua sale, ôm hận
Lạc vào “rừng” sản phẩm khuyến mãi phủ khắp mấy tầng lầu ở Vincom (Q.1), chị Thanh Phương (36 tuổi, Q.Bình Tân) chẳng thể chọn được món đồ ưng ý. “Nhiều cửa hàng treo bảng giảm giá tới 50% nhưng thực tế chỉ dành cho sản phẩm hết size, hết số, hàng tồn kho, hàng lỗi. Còn sản phẩm mới chỉ giảm từ 5 đến 10%; người mua với hóa đơn 4-5 triệu mới được giảm 500.000-1 triệu đồng. Mức này cửa hàng giảm quanh năm, cần gì phải đi mua sắm ngày Black Friday để chen lấn”, chị Phương bộc bạch.
Chị Minh Lan (nhân viên văn phòng Q.10) vẫn chưa hết tức tối. Cách đó 2 ngày, thương hiệu thời trang mà chị yêu thích thông báo giảm 70% tất cả sản phẩm. Thấy quá hời, bởi sản phẩm này nguyên giá đều 1,5-2 triệu đồng, chị ôm về giỏ hàng trị giá hơn chục triệu đồng sau 3 giờ đồng hồ chen lấn, lựa chọn. Nhưng hỡi ơi, nhiều sản phẩm bung nút, tuột chỉ, mặc vào không vừa… “Quá nhiều người mua nên tôi thấy cái nào ưng liền bỏ giỏ, hàng sale nên khách không được thử, mua rồi không được đổi trả. Mấy quy định này mua xong tôi mới hay, bây giờ chồng biết chắc gia đình có chuyện lớn” - chị Lan tỏ ra lo lắng.
Ghi nhận của PV dịp Black Friday không phải cửa hàng nào cũng bán hàng chuẩn và giảm giá như quảng cáo, đặc biệt là sản phẩm thời trang. Không ít thương nhân lợi dụng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng trộn các sản phẩm thời trang rẻ tiền vào hàng cao cấp hòng kiếm lợi cao. Có những mặt hàng giá gốc chỉ khoảng 60.000-70.000/sản phẩm nhưng họ mang về cửa hàng niêm yết 400.000 đồng/sản phẩm. Nếu giảm giá 50% họ vẫn lời rất lớn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ: Khi mua hàng giảm giá dịp Black Friday, người tiêu dùng phải thực sự thông minh, tìm hiểu trước giá trị món hàng mình định mua để xem chất lượng hàng, giá có giảm thực sự hay không. Người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng trước hàng giả, hàng nhái; không nên thấy hàng thương hiệu, giá tốt là lao vào mua.