Định vị bằng đại học Việt trên trường quốc tế

Chuẩn đầu ra của ĐH Việt Nam lâu nay không thống nhất Ảnh: Diệp An
Chuẩn đầu ra của ĐH Việt Nam lâu nay không thống nhất Ảnh: Diệp An
TP - Ngày 11/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020-2025. VQF cho giáo dục đại học tiệm cận chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu, VQF cho giáo dục ĐH là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ… tiệm cận chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới, phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực. “Nếu các nước ASEAN tham chiếu vào chuẩn chương trình đào tạo này, sẽ có sự tương đồng và bằng cấp của Việt Nam được công nhận”, ông nói.

VQF được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 nhưng năm nay Bộ GD&ĐT mới chính thức triển khai thực hiện. VQF là thước đo để thống nhất về chuẩn đầu ra của ĐH Việt Nam. Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, bà Nguyễn Thu Thủy, cho biết, khi VQF được triển khai, người học biết có thể làm được gì sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, doanh nghiệp có thông tin rõ ràng về các loại nhân lực cần sử dụng.

PGS.TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nói rằng, về cơ bản, chuẩn đầu ra của ĐH Việt Nam lâu nay không thống nhất, có nơi chương trình dành cho cử nhân, cao đẳng được thiết kế lớn hơn chương trình đào tạo thạc sĩ. Khi không thống nhất thì khó đánh giá được chất lượng đào tạo.

Cơ hội đặt lại vị trí các trình độ đào tạo

Ông Phúc cho hay, thời gian tới sẽ thành lập các hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành đối với các trình độ của giáo dục ĐH. Bà Thủy bày tỏ kỳ vọng, các bộ, ngành sẽ triển khai xây dựng khung chương trình đào tạo như là mô hình điển hình, nhân rộng sang các ngành, khối ngành khác. Tại cuộc họp, đại diện Bộ VH-TT-DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cùng các chuyên gia thống nhất cách thức triển khai, phối hợp để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này.

Theo PGS.TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần xâu chuỗi, tạo hệ thống bài bản cho chuẩn chương trình đào tạo các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. “Đây là cơ hội đặt lại vị trí các trình độ. Thành công phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia đầu ngành và chủ sở hữu lao động”, ông Phương nhận định.

Đại diện Bộ Y tế đề xuất, cần thành lập 12 hội đồng tư vấn riêng cho 12 mã ngành trình độ đại học trong khối ngành y dược vì đặc thù mỗi ngành khác nhau. Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết, sắp tới sẽ có kỳ thi tuyển cấp chứng chỉ nghề theo năng lực, để thêm “hàng rào” kiểm soát chất lượng. Theo đó, sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng y bác sĩ. Đó là chuẩn chương trình đào tạo và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế. 

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Vụ Giáo dục ĐH tiếp thu các ý kiến, đảm bảo đặc thù của một số bộ, ngành. Ông cũng đề nghị các bộ chuẩn bị, đề xuất số lượng ngành, khối ngành, các vấn đề liên quan hội đồng tư vấn. Sau đó, Vụ Giáo dục ĐH sẽ làm việc với từng bộ để xây dựng hướng dẫn phù hợp, bao gồm hướng dẫn thành lập hội đồng tư vấn.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.