Đỉnh cô phong Hồ Xuân Hương

0:00 / 0:00
0:00
Minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái
Minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái
TP - Trong các tác giả Trung đại của Văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương được đọc nhiều có lẽ chỉ sau Nguyễn Du. Thơ của bà và sách về bà in nhiều cũng chỉ sau Nguyễn Du.

Thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương được nhiều nhà xuất bản khác nhau in liên tục với nhiều cách tuyển chọn và bình phẩm, không lúc nào vắng bóng trên kệ sách gần như của tất cả các nhà sách. Bên cạnh đó, tập thơ chữ Hán "Lưu Hương Ký" ít người biết hơn của bà cũng được xuất bản. Còn sách về bà in trong vài chục năm gần đây khá hùng hậu: "Thơ Hồ Xuân Hương, từ cội nguồn vào thế tục" của Đào Thái Tôn, "Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực" của Đỗ Lai Thuý, "Hồ Xuân Hương - Thơ và đời" do Lữ Huy Nguyên sưu tầm và tuyển chọn, "Hồ Xuân Hương - Thơ và đời" do nhóm Trí thức Việt tuyển chọn, "Ẩn ức Hồ Xuân Hương" của Hoàng Khôi, "Tình sử Hồ Xuân Hương" của Bùi Bội Tỉnh, "Hồ Xuân Hương - tác phẩm và lời bình" của nhiều tác giả, "Hồ Xuân Hương, tài năng và bí ẩn" của Mai Ngọc Phát, "Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương" của Đỗ Long Vân, "Hồ Xuân Hương - về tác giả và tác phẩm" do Nguyễn Hữu Sơn và Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu...

Thơ Hồ Xuân Hương và sách về bà - thơ bà được in nhiều và có độc giả như vậy là có nguyên nhân của nó. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn trong bài "Một ham muốn sống thật đã đầy, thật trọn vẹn" đăng trên tờ Thể thao & Văn hoá số Tết năm 1994 đã có vẻ lý giải được điều đó khi viết rằng "...trong thơ, bà là một trong những tác giả cổ điển có cái dáng vẻ hiện đại bậc nhất" và "Tôi (tức Hồ Xuân Hương - Vương Trí Nhàn thác lời nữ sĩ) gần gũi với những khao khát không yên của con người hiện đại (...). Tôi là một ham muốn muôn đời của con người, muốn được sống đã đầy, thật trọn vẹn. Và cũng là cái ham muốn vượt lên trên mọi ràng buộc, không chịu khuất phục các quy phạm, muốn vứt bỏ hết mọi sự thiêng liêng điếm giả tạo để tìm tới cái thiêng liêng chân chính của đời sống".

Cho dù trong nghiên cứu Hồ Xuân Hương còn nhiều việc phải làm như sẽ trình bày dưới đây, nhưng người ta thống nhất đánh giá bà là "một nhà thơ kiệt xuất, một tài năng văn học độc đáo" có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Trong thơ, bà có phong cách độc đáo, riêng có đến độ nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn gọi bà là "Đỉnh cô phong" trên thi đàn dân tộc. Tài năng của bà được biết đến và thừa nhận trên thế giới. Thơ bà được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Hán, tiếng Anh... Trong lời giới thiệu cuốn "Hồ Xuân Hương - Thơ và Đời" do nhóm Trí Thức Việt tuyển chọn viết: "R. Tagore trước kia, và gần đây nhà thơ Pháp có tên tuổi ở châu Âu - Jan Rixtal - trong bài Tựa bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Pháp, đã coi Hồ Xuân Hương là "một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam và không chút nghi ngờ, là một trong những nữ sĩ hàng đầu của châu Á".

Người viết bài này đã nghe và ghi âm 3 buổi Chương trình Việt ngữ đài RFI phỏng vấn học giả GS Hoàng Xuân Hãn và học trò của ông là giáo sư Tạ Trọng Hiệp chung quanh Hồ Xuân Hương và tập thơ "Lưu Hương Ký" của bà vào tháng 5 năm 1993. Lại may mắn được đọc chuyên khảo công phu của GS Hoàng tựa đề "Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long" (bao gồm cả phần phụ "Về tình sử và văn thơ của Hồ Xuân Hương" dài tới gần 60 trang tạp chí cỡ lớn đăng trên tập san Khoa học Xã hội Paris, tháng 12 năm 1983, sau đó là đọc cuốn "Thơ Hồ Xuân Hương, từ cội nguồn vào thế tục" của Đào Thái Tôn, thực chất là phát triển từ luận án phó tiến sĩ của ông. Những thông tin thu nhận được trong những công trình vừa kể và một số tài liệu, bài báo khác giúp tôi phần nào nhận diện được khuôn mặt dân dã mà bí ẩn, độc đáo mà đa diện của Bà Chúa thơ Nôm.

***

Từ thế kỷ trước thế kỷ XX, trong dân gian đã lưu truyền những bài thơ Nôm "đáo để", nghịch ngợm, thích chòng ghẹo, thích thách thức, song ẩn sâu trong lòng lại là một nỗi buồn da diết, những bài thơ mà như Hoàng Trung Thông lúc sinh thời từng đánh giá trong bài thơ dài "Hồ Xuân Hương" - Người đó là ai?" viết năm 1986: "Đọc lên sang sảng/ Ai thẹn thì cúi đầu/ Ai thích thì nghĩ lâu/ Đó là nàng thơ của một thời, một thuở/ Đó là thơ mà không ai không nhớ". Tương truyền đó là thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, sống vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Năm 1893, một người Pháp lúc đó làm đốc lý Hà Nội tên là Landes, thạo tiếng Việt, thuê người chép lại những bài thơ đó. Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì đây chính là "cái gốc" của những tập thơ Hồ Xuân Hương chữ Nôm và chữ Quốc ngữ được xuất bản sau đó.

Đến năm 1963, nhà nghiên cứu văn học Trần Thanh Mại, qua tư liệu của cụ Nguyễn Văn Tú (cử nhân Hán học, người xã Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Hà) phát hiện ra tập thơ "Lưu Hương Ký" đề rõ là "Hoan Trung Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương nữ sử tập" trong đó có 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm, phong cách rất khác với những bài thơ Nôm truyền tụng. Sau đó, năm 1964, Trần Xuân Thanh Mại còn tìm được bài tựa cho tập thơ này do một người bạn của Hồ Xuân Hương là Nham Giác Phu Tốn Phong Thị viết. Những phát hiện quan trọng này đã đưa Trần Thanh Mại tới giả thuyết Hồ Xuân Hương còn là và chủ yếu là một nhà thơ chữ Hán. Ông cũng phát triển giả thuyết cho rằng những bài thơ Nôm độc đáo được truyền tụng là thơ của Hồ Xuân Hương trên thực tế là thơ của nhiều người làm, trong đó có thể có những bài của bà (phải chăng Hồ Xuân Hương là người đầu tiên làm thơ theo phong cách này và từ đó mà sinh ra dòng thơ mang tên bà, cũng như ngày nay có nhiều bài thơ của nhiều tác giả thuộc dòng thơ Bút Tre, xuất phát từ thơ Bút Tre), nhưng không biết rõ là bài nào.

Đỉnh cô phong Hồ Xuân Hương ảnh 1
Một số cuốn sách thơ và sách về Hồ Xuân Hương

Sau phát hiện của Trần Thanh Mại, các nhà nghiên cứu trong nước tiếp tục nghiên cứu và xác định được rõ thêm vài điểm trong tiểu sử của Hồ Xuân Hương (khoảng thời gian bà sống và mất, quan hệ gia tộc…). Tuy nhiên, người đi xa nhất và làm được nhiều nhất lại là một học giả sống xa Tổ quốc - Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Những kết quả nghiên cứu phong phú về Hồ Xuân Hương của ông được công bố trong một chuyên khảo "Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long" mà chúng tôi đã nhắc ở trên. Nhờ giáo sư Hoàng, nhiều vấn đề liên quan đến tiểu sử và thơ văn của Hồ Xuân Hương đã được giải quyết khá rõ.

Cùng với GS Hoàng, đa số các nhà nghiên cứu hầu như đã nhất trí những bài thơ chữ Nôm và chữ Hán trang nhã và nghiêm túc trong tập "Lưu Hương Ký" đích thị là của Hồ Xuân Hương; còn phần thơ Nôm truyền tụng có một phần là của bà, một phần là tác phẩm của các ông đồ lúc trà dư tửu hậu làm ra rồi được gán cho bà, một số bài là của dòng "văn học dân gian" (nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý tiếp nối một tác giả nghiên cứu và giảng dạy thơ Hồ Xuân Hương lâu năm là GS Nguyễn Lộc bày tỏ sự nghi ngờ Hồ Xuân Hương tác giả của các bài thơ Nôm truyền tụng và Hoan Trung Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương tác giả của "Lưu Hương Ký" không phải là một người do phong cách thơ Nôm và thơ chữ Hán quá khác nhau).

Tuy nhiên, trong vài chục năm qua, có vẻ không có bước tiến nào trong việc lấy tiêu chí nào để sàng lọc bài thơ nào của Hồ Xuân Hương, bài thơ nào không phải của bà. Hồi năm 1993, trong bài trả lời phỏng vấn Đài RFI, GS Hoàng Xuân Hãn, sau khi bằng những luận cứ xác đáng loại một số bài như: "Khóc ông phủ Vĩnh Tường", "Bù nhìn"...? buộc phải tuyên bố là "vấn đề rất khó, tôi ở xa không thể làm được. Các nhà nghiên cứu văn học sử, những người làm công tác giảng dạy trong nước cần phải góp sức lại, họp lại với nhau mà bàn định". Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn trong "Thơ Hồ Xuân Hương - Từ cội nguồn vào thế tục" đề nghị dùng "Lưu Hương Ký" làm hệ quy chiếu để sàng lọc lại phần thơ truyền tụng, nhưng nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên trong bài "Bàn lại chuyện Xuân Hương" đăng trên tờ Văn nghệ số Tết 1994 cho là "phải đặt vấn đề ngược lại thì mới xuôi…".

Trước Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của 4 danh nhân Việt Nam: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm ngày mất của Chu Văn An (2019).

Một điểm nữa cũng được bàn là việc xác định những bài thơ Nôm truyền tụng được Hồ Xuân Hương làm vào giai đoạn nào, trước hay sau "Lưu Hương Ký". Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng những bài thơ chớt nhả, đùa bỡn có phần tục là do Hồ Xuân Hương làm lúc còn trẻ, chưa chín chắn (tức trước khi sáng tác "Lưu Hương Ký"), sau này chính bản thân bà cũng không đánh giá cao những bài thơ đó nên không đưa vào tập thơ trên (mà bà coi là tất cả thơ của đời bà cho đến lúc đó). Nhưng dân gian lại thích và chỉ nhớ những bài thơ đó thôi. Và rồi người ta cứ truyền tụng Hồ Xuân Hương là người chớt nhả, thích tục tĩu, nên sau này có bao nhiêu bài thơ dạng ấy đều gắn hết cho bà. Tuy nhiên trong bài "Đi tìm gương mặt thật nhà thơ Hồ Xuân Hương trong thư tịch cổ" đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, tác giả Mỹ Ý lại thiên về hướng cho rằng những bài thơ truyền tụng được Hồ Xuân Hương phải sáng tác sau "Lưu Hương Ký" bởi trong chúng "bản lĩnh đàn bà, tình cảm vi sinh tinh vi sâu sắc và cả nét chua cay, ngoa ngoắt của phụ nữ lại có phần đậm đà sắc sảo hơn, hoàn toàn phù hợp với sự phát triển tính cách ắt phải có nơi bà qua nhiều bước gian truân của đời sống".

Qua trên, có thể thấy nghiên cứu Hồ Xuân Hương là một việc rất thú vị và còn rất nhiều việc phải làm.

(Xem tiếp trên Tiền Phong ra thứ 2, ngày 29/11/2021)

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.