Lễ hội bắt nguồn từ việc một tù nhân được nữ thần báo mộng: Hãy cúng máu cho ta rồi ngươi sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau trần thế! Thế rồi gần 300 năm hành lễ qua đi, máu của hàng triệu con vật vô can đã đổ, mà khổ đau vẫn đầy…
Gần đây nhất là trận động đất kinh hoàng làm chết hơn 8.000 người tại Nepal. Không biết có phải vì cảm nhận được nỗi đau đồng bào qua thiên tai hủy diệt mà dân làng Bariyapur đã tự thấy không cần gây thêm đau đớn tràn lan vô nghĩa?!
Một số người dựa trên quan điểm nhân quả báo ứng đạo Phật chỉ ra liên kết tục lệ thảm sát động vật với thảm họa động đất. Theo quan điểm khoa học, tất nhiên hai sự việc này không có mối liên hệ gì. Dù sao, người Nepal trong khả năng kiểm soát của mình cũng đã triệt tiêu một hoạt động hủy hoại sự sống.
Có những việc làm trên quy mô lớn trong thời gian kéo dài trực tiếp tác động xấu đến môi trường mà ai cũng có thể nhìn ra. Những thành phố đang oằn mình gánh chịu thiên tai ở Quảng Ninh như Hạ Long, Cẩm Phả…từ hàng chục năm nay đã bạt đồi lấp biển để có hàng loạt khu đô thị mới và các công trình công cộng. UNESCO đã 3 lần liên tiếp cảnh báo hành động gây phương hại đến di sản thiên nhiên này.
Từ trên ghế nhà trường, những đứa trẻ đã được dạy về công dụng ngăn lũ lụt của rừng cây. Các thành phố ven biển như Hạ Long, Cẩm Phả đều ở địa thế dựa lưng vào đồi. Nay đồi bị bạt, bị các mỏ than đổ đất thải trùm lấp lên cộng với hệ thống thoát nước quá tải- mà các khu đô thị lấn biển là một phần nguyên nhân.
Kết quả thiên tai bồi thêm nhân tai thành thảm kịch đang diễn ra trong sự bất lực của con người. Khi còn có thể, sao con người không làm ngay những hành động thiết thực nhất để bảo vệ môi trường, bảo vệ chính mình?! Sau đây, ngoài tân trang hệ thống thoát nước, phủ xanh những ngọn đồi bãi thải là điều mà Quảng Ninh cần làm.