Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là dự án cấp đặc biệt, do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm chủ đầu tư với số tiền 2.500 tỷ đồng. Dự án hiện được xây dựng ở vị trí nằm sát mặt đường đại lộ Thăng Long (phía quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, các hạng mục chính của dự án giai đoạn 1 về cơ bản đã hoàn thành phần thô, công nhân đang gấp rút thi công nội thất và cảnh quan bên ngoài, rất nhiều hiện vật như máy bay chiến đấu, máy bay vận tải quân sự, xe tăng... đã được vận chuyển đến vị trí trưng bày.
Tổng diện tích dự án là 38,66 ha, được thiết kế với 4 tầng nổi và một tầng bán âm.
Bảo tàng được thiết kế theo phong cách hiện đại, đơn giản và tạo dòng chảy lịch sử bằng trực giác, hài hòa với chiếu sáng kiến trúc công trình và ánh sáng tự nhiên; sử dụng hệ thống thiết bị đa phương tiện kết hợp với hệ thống âm thanh định hướng để khách tham quan có thể tương tác, đem lại trải nghiệm mới mẻ.
Khu bảo tàng cao 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 23.198m2. Tổng diện tích sàn tòa nhà chính rộng 64.640m2, tổng chiều cao 35,8m.
Bên ngoài tòa nhà chính sẽ có các công trình phục dựng quân sự, trưng bày các vũ khí lớn.
Dự án hoàn thành bao gồm hệ thống trưng bày trong nhà và ngoài nhà với 6 chủ đề tiến trình lịch sử, 8 chuyên đề, 7 bộ sưu tập và 12 chuyên ngành quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Máy bay C-130 với biệt danh "ngựa thồ" là hiện vật có kích thước lớn nhất được trưng bày tại không gian bên ngoài bảo tàng.
Đây là thế hệ máy bay C-130 đầu tiên, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt Allison T56 ba lá, nặng hơn 34 tấn, sải cánh hơn 40m, chiều dài thân hơn 30m, cao gần 12m, bao gồm 4 động cơ, có thể tải 19 tấn hàng hoặc 64 lính dù, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 70 tấn.
Pháo tự hành M107 mệnh danh là "Vua chiến trường" được Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Nòng pháo dài hơn 11 mét, nặng hơn 28 tấn, tốc độ bắn chỉ 1 viên/phút, nhưng tầm bắn xa nhất lên tới 40km. M107 sử dụng 2 loại đạn: Đạn nổ mạnh M437 nặng 66,6kg với bán kính sát thương hơn 50 mét và đạn hạt nhân 15 kiloton.
Tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324 từng được 9 phi công Việt Nam điều khiển và bắn rơi 14 máy bay Mỹ, hiện đã được đưa vào sảnh chính bảo tàng để trưng bày.
Chiếc MiG-21 được mệnh danh "én bạc" mang số hiệu 4324 do Liên Xô sản xuất, viện trợ cho Việt Nam năm 1967. Đầu năm 1967, chiến đấu cơ này được trang bị cho Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng PK-KQ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, "én bạc" 4324 đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần.
Ngày 10/3/2015, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức lễ công bố Quyết định số 53 ngày 14/1/2015 của Thủ tướng, công nhận máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324 là Bảo vật quốc gia.
Chiếc MiG-21 mang số hiệu 5121 được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Tuân đã từng điều khiển chiếc MiG-21 này và bắn hạ máy bay B52 vào đêm 27/12/1972. Ngoài Trung tướng Phạm Tuân còn có phi công Đinh Tôn và Vũ Đình Rạng điều khiển chiếc máy bay này.
Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 cũng là một trong các Bảo vật quốc gia được trưng bày bên trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới. Chiếc xe tăng này đã được vận chuyển từ miền Nam ra Hà Nội trưng bày nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (12/1979), sau đó đã được giữ lại và chuyển giao cho bảo tàng.
Lựu pháo 105mm là 1 trong những khẩu pháo bắn mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị 24 khẩu lựu pháo 105mm, trong đó 4 khẩu là chiến lợi phẩm thu được của Quân đội Viễn chinh Pháp từ chiến dịch Biên Giới (1950) và chiến dịch Tây Bắc (1952), 20 khẩu được Trung Quốc viện trợ.
Hiện tại, công nhân đang gấp rút hoàn thiện dự án giai đoạn 1 theo kế hoạch, kịp thời đưa bảo tàng vào hoạt động, phục vụ công chúng trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Đây được xem là công trình ý nghĩa cho cả quá khứ và tương lai, tạo điểm nhấn không chỉ cho Quân đội mà còn cho Thủ đô và cả nước. Công trình sẽ góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, là điểm nhấn kiến trúc, kết nối hài hòa và bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu vực.