Ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023. Theo đó, năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của tỉnh Điện Biên đều hoàn thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023. |
Năm 2024, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%, trung bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,5%; cuối năm 2024 sẽ hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV đề ra; GRDP bình quân đầu người khoảng 60 triệu đồng/người vào năm 2025.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng và di chuyển các cơ quan, đơn vị của tỉnh vào Khu trung tâm chính trị hành chính tỉnh Điện Biên tại phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ.
Chính vì thế, một số trụ sở làm việc cũ của các cơ quan, đơn vị sẽ dôi dư, dự kiến bán đấu giá cho các nhà đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đất thương mại dịch vụ, đất ở và hạ tầng đô thị).
Tỉnh Điện Biên cho biết, các trụ sở này cần thiết phải thanh lý theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ để có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt.
Do đó, tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc xử lý bán đất và tài sản trên đất đối với các trụ sở làm việc cũ dôi dư. Xem xét, cân đối, hỗ trợ kinh phí cho địa phương 150 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2023 và dự phòng NSTƯ ương năm 2024.
Từ đó, tỉnh có thể tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kè chống sạt lở khu dân cư, đất sản xuất có nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn xảy ra ở khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh.
Thành viên đoàn công tác Bộ Tài chính giải đáp một số kiến nghị của tỉnh Điện Biên. |
Về Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La đã được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hiện tỉnh đang tổ chức triển khai thực hiện, cơ bản đáp ứng theo mục tiêu của Đề án được duyệt.
Tuy nhiên, để phát huy và khai thác hiệu quả mặt hồ thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên đang nghiên cứu xây dựng “Dự án đập giữ nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch mặt hồ thị xã Mường Lay” (quy mô đập bê tông trọng lực có cửa van điều tiết lũ, chiều cao 40m, dung tích hồ chứa 1,1 triệu m3, tổng mức đầu tư 2.970 tỷ đồng) nhằm tạo sinh kế lâu dài, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, tỉnh Điện Biên kiến nghị xem xét, hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quyết toán dự án hoàn thành đối với dự án Trường THPT tại huyện Bun Nửa, tỉnh Phông Xa Lỳ (nước CHDCND Lào).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2024, nhiệm vụ của tỉnh Điện Biên rất nặng nề và khó khăn, đặc biệt tỉnh tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và các chuỗi hoạt động liên quan. Đây là cơ hội để Điện Biên trở thành dấu mốc, lan tỏa rộng rãi để cả nước biết đến Điện Biên.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, như các trụ sở dôi dư khi tỉnh thực hiện dự án di chuyển khu trung tâm hành chính, Bộ trưởng cho biết tỉnh cần làm quy hoạch (trung tâm thương mại, khu chung cư) từ đó tổ chức bán đấu giá.
Với kiến nghị xây dựng kè chống thiên tai và ổn định sản xuất, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng trước hết địa phương phải có dự án, thủ tục đầy đủ. Bộ Tài chính ủng hộ tỉnh chủ trương thực hiện Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước nhằm phục vụ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội.