Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ Công Thương giao cho 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu lên tới hơn 20,72 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Theo báo cáo tổng hợp từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu mặt đất (xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut) trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 17,2 triệu m3/tấn.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp Ảnh: Nguyễn Bằng |
Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, một số thương nhân thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao. Như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 99,6% đối với xăng; 95,9% đối với diesel. Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil) đạt 100,3% đối với xăng; 83,4% đối với diesel. Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) đạt 93,2% đối với xăng; 167,0% đối với diesel. Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp đạt 96,2% đối với xăng; 74,9% đối với diesel. Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP đạt 119,0% đối với xăng; 119,4% đối với diesel; Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty xăng dầu Quân đội đạt 123,5% đối với xăng; 127,8% đối với diesel…
Doanh nghiệp bán lẻ lại kêu khó nhập hàng
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 24/10, lãnh đạo một số doanh nghiệp bán lẻ cho biết, cùng với tình trạng thiếu, khó nhập mặt hàng dầu diesel từ các tổng đại lý, thương nhân phân phối, tình trạng cắt chiết khấu, chiết khấu âm bắt đầu xuất hiện trong ngày 24/10. Một doanh nghiệp bán lẻ tại Bắc Giang cho biết, việc nhập dầu diesel hiện rất khó và chịu chiết khấu âm lên tới 400 đồng/lít. Tình trạng khó nhập cũng được ghi nhận tại các kho ở Hải Phòng, Vinh và một số tỉnh miền Trung, khu vực Nhà Bè (TPHCM). Một số thương nhân phân phối cũng có thông báo cho các đại lý về việc phải đặt hàng sớm để các đầu mối cân đối nguồn hàng. Dự kiến việc nhập hàng cũng bị kéo dài từ 2-3 ngày. Không chỉ khó nhập dầu diesel, các đại lý bán lẻ cũng phản ánh mức chiết khấu với mặt hàng xăng cũng bị giảm mạnh. Nguồn hàng cũng được hạn chế, kể cả các doanh nghiệp thuộc hệ thống cửa hàng nhượng quyền của Petrolimex.
Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông cũng chỉ rõ, một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
Cửa hàng của bà Nguyễn Thị Bích Vân (đại lý xăng dầu DNTN Năm Hung, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) hết xăng nhiều ngày qua Ảnh: T.Q |
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV năm 2022 phục vụ nhu cầu thị trường, Bộ Công Thương dự kiến tiếp tục phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các Nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu với tổng lượng xăng dầu là 5,5 triệu m3/tấn; bình quân hơn 1,83 triệu m3/tấn/tháng.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về chi phí
Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh hai nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa bàn, đặc biệt là quý 3/2022. “Trong khi 6 tháng đầu năm không có biến động lớn do vẫn còn lượng tồn kho. Bắt đầu đến quý 3, tình hình có biến đổi do giá xăng dầu đột ngột suy giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chi phí” - ông Bảo nói. Ông cũng cho rằng, vấn đề nữa là chi phí hoạt động lưu thông của xăng dầu từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi dù theo quy định phải rà soát hàng năm.
Đối với chi phí tạo nguồn, là những chi phí đã được quy định tại các Nghị định 83, 95. Chi phí này bao gồm: giá cả thế giới, premium (phí phải trả) phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước…. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.
“Với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7, nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, dẫn đến trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng. Chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Đây chính là lý do các doanh nghiệp lỗ rất lớn”, ông Bảo cho hay.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng. Các chi phí đó doanh nghiệp đang phải chịu lỗ để thực hiện theo đúng nhiệm vụ chính trị phân phối xăng dầu được giao. Bên cạnh đó, với giá cả hiện tại trong quý IV, nhất là tháng 11, 12 tới, premium trong nước đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy doanh nghiệp dự báo sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được việc nhập khẩu theo hạn mức phân giao.
“Để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất, phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước”, ông Bảo kiến nghị. Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.
Sẽ “số hoá” việc quản lý xăng dầu
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là cuộc họp đặc biệt quan trọng sau cuộc họp ngày 12/10 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, giữa tháng 10 vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số khu vực. Để giải quyết vấn đề các doanh nghiệp và hiệp hội đã nêu, ông Diên cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp để ổn định thị trường xăng dầu.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cần phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh, phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các doanh nghiệp nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất cần áp dụng kỷ luật khắt khe hơn với doanh nghiệp đầu mối, bảo đảm cung ứng đầy đủ sản lượng phân giao, tránh tình trạng ký hợp đồng xong để đấy.
“Các doanh nghiệp phải phấn đấu đạt mức tối thiểu theo kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp đầu mối, kể cả các thương nhân phân phối phải bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định, bảo đảm lượng nhưng phải bảo đảm đúng quy trình”, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu.
Một yêu cầu được đặt ra chính là từ 1/1/2023, các doanh nghiệp phải triển khai ứng dụng phần mềm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, kết nối từ Bộ Công Thương đến với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối để minh bạch thông tin, quản lý lưu thông và bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp.
Đối với các cơ quan quản lý, Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị chính quyền các địa phương - cơ quan cấp phép và quản lý trực tiếp đối với hệ thống đại lý, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ - kịp thời hơn trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp trên địa bàn.