Hà Nội cho phép học sinh lớp 1, 2 bỏ bài kiểm tra học kỳ II
Trước tình hình phức tạp kéo dài của dịch COVID-19, học sinh Hà Nội nghỉ học từ đầu tháng 5 đến nay, Bộ GD&ĐT đã có Công văn ngày 6/8 gửi Hà Nội về việc kết thúc năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học.
Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo cho Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã chỉ đạo các nhà trường tiểu học trên địa bàn quản lý chưa hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá định kỳ các môn học cuối học kỳ II, không đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến theo quy định của Bộ GD&ĐT được vận dụng các thông tư của Bộ để hoàn thành việc đánh giá, xếp loại học sinh. (xem chi tiết)
Hà Nội, TPHCM vì COVID-19 có thể khai giảng năm học mới muộn hơn
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) nói rằng, các địa phương hiện đang căng thẳng vì dịch COVID-19, Với những tỉnh thành đang khó khăn về dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho học sinh, giáo viên. Với những tỉnh thành này, ví dụ cụ thể như Hà Nội và TPHCM thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương mình để đưa ra mốc thời gian tựu trường và kết thúc năm học phù hợp, ví dụ chuyển sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10. Chủ tịch UBND TP/tỉnh có thể quyết định lùi thời gian khai giảng, học sinh tựu trường. (xem chi tiết)
Ông Trần Thế Cương đảm đương 'ghế nóng' giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Thành uỷ Hà Nội vừa có thông báo về công tác cán bộ. Theo đó, xét đề nghị của Ban Cán sự Đảng UBND TP và Ban Tổ chức Thành ủy về công tác cán bộ tại các đơn vị trực thuộc UBND Thành phố; căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương về việc bổ nhiệm ông Trần Thế Cương giữ chức vụ Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. (xem chi tiết)
Nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện cùng thủ trưởng 20 trường học bị đề nghị kiểm điểm
Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa có kết luận thanh tra phát hiện nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Phòng GD&ĐT huyện Chư Păh và 20 trường học trên địa bàn giai đoạn 2017-2020.
Cụ thể, theo Thanh tra tỉnh, Phòng GD&ĐT huyện Chư Păh đã thanh toán một số khoản chi thường xuyên, khoản chi các chế độ, phụ cấp, tiền tăng giờ cho cán bộ quản lý trường học và giáo viên không đúng quy định. Đặc biệt, trong quá trình thi công xây dựng, sửa chữa các công trình, việc nghiệm thu, thanh quyết toán đã áp sai đơn giá, quyết toán thừa khối lượng… Tổng số tiền sai phạm hơn 691 triệu đồng. (xem chi tiết)
Hơn 11.000 thí sinh thi THPT đợt 2: Bao nhiêu địa phương tổ chức thi?
Do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được chia thành hai đợt. Đợt 1 diễn ra vào ngày 7-8/7 với hơn 981.800 thí sinh tham dự. Hơn 26.000 thí sinh chưa thể tham gia thi đợt 1 sẽ dự thi đợt 2.
Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT bổ sung đối tượng được xét đặc cách tốt nghiệp THPT, hàng chục nghìn thí sinh ở vùng cách ly, phong tỏa đã đăng ký xét đặc cách. Chẳng hạn, TP HCM có hơn 2.000 thí sinh được đặc cách, Bình Định hơn 1.000 thí sinh, Hà Nội gần 200 thí sinh. (xem chi tiết)
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị kỷ luật vụ sửa hơn 2.000 điểm của học sinh
Theo kết quả xác minh của Phòng GD-ĐT huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), có 45 người tham gia sửa, xóa 2.118 đầu điểm của học sinh Trường THCS Ngư Lộc.
Trong năm học 2020-2021 tại Trường THCS Ngư Lộc có hiện tượng giáo viên thực hiện việc chỉnh sửa các điểm kiểm tra thường xuyên, điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ cho học sinh trong trường.
Ngay sau đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện Hâu Lộc xác minh làm rõ sự việc và báo cáo theo quy định.
Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho hay, ngay sau khi Sở chỉ đạo làm rõ, Phòng GD-ĐT huyện Hậu Lộc đã vào cuộc xác minh. Cụ thể, qua kiểm tra sổ điểm Vnedu, vào phần “chỉnh sửa điểm”, hệ thống thống kê 45 người sửa điểm với 2.118 đầu điểm được sửa, xóa. Trong đó có 1.157 điểm có thông tin “xóa” và 961 điểm có thông tin “sửa”. Từ ngày 9 đến 20/5/2021 có 726 lượt sửa điểm. Trong 1.157 điểm có thông tin “xóa”, tài khoản admin Trường THCS Ngư Lộc “xoá” 1.031 lượt; giáo viên “xoá” 126 lượt. Trong số 961 điểm có thông tin “sửa” có 125 lượt sửa điểm cuối học kỳ 2; có 206 lượt sửa điểm đánh giá giữa học kỳ 2, có 630 lượt sửa điểm đánh giá thường xuyên học kỳ 2.
Phát hiện 2 cán bộ trong một xã sử dụng bằng cấp không hợp pháp để đi học
Lãnh đạo UBND xã Biển Hồ (TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết, đơn vị đang tiến hành họp để xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với 2 cá nhân sử dụng bằng cấp không hợp pháp.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku (Gia Lai) đã kiểm tra và xử lý kỷ luật, cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Bùi Ngọc Lộc - nguyên Trưởng Công an xã Biển Hồ, hiện làm công chức văn hóa thông tin xã Biển Hồ và bà Phạm Thị Tuyển - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Biển Hồ.
Cả hai cá nhân trên đã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không hợp pháp.
Qua tìm hiểu, năm 2014, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku có quyết định cử ông Lộc đi học lớp Trung cấp lý luận Chính trị- Hành chính (hệ tại chức) tại Trường Chính trị tỉnh Gia Lai. Sau khóa học, ông Lộc được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính số 171461QL/HVCTQG ngày 19/8/2015.
Đối với bà Tuyển, năm 2013, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku có quyết định việc cử bà đi học lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính (hệ tại chức) tại Trường Chính trị tỉnh Gia Lai. Sau khóa học, bà Tuyển được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính số 171826QL/HVCTQG ngày 5/9/2014.