Các nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật di chỉ Tuần Quán. |
Di chỉ có niên đại khoảng 13.000 năm
Di chỉ khảo cổ Tuần Quán nằm sát bờ trái sông Hồng với 2 địa điểm là Tuần Quán 1 và Tuần Quán 2, cách nhau khoảng 500 m. Nằm giữa hai địa điểm này là đền Tuần Quán, ngòi Tuần Quán. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Yên Bái, di chỉ Tuần Quán được phát hiện vào năm 2001, trong đó di chỉ Tuần Quán 1 được tiến hành khảo sát năm 2018 và khai quật lần thứ nhất năm 2019, di chỉ Tuần Quán 2 được khảo sát từ năm 2002.
Tiến sĩ Quang cho biết quá trình khai quật tại di chỉ Tuần Quán 1, các nhà khảo cổ phân chia cấu tạo địa tầng văn hóa thành 7 lớp lớn, bao gồm nhiều lớp nhỏ có độ dày, mỏng khác nhau, điều đó cho thấy mức độ phức tạp về cấu tạo địa tầng văn hóa tại đây.
Đền Tuần Quán. |
Cổ vật được phát hiện gồm nhiều công cụ đá, đa dạng về loại hình và chất liệu. Nhóm các công cụ đá được phát hiện chủ yếu là ghè, có tác dụng như lưỡi dao, hình dạng dẹt một bên hoặc dẹt hai bên, mũi nhọn... Qua nghiên cứu, nhóm công cụ đá ở đây cho thấy, di chỉ được nhận định thuộc văn hóa Hòa Bình, có niên đại khoảng 13.000 năm. Điều đó càng khẳng định sự hiện diện của người Việt cổ bên cạnh sông Hồng.
Tại di chỉ Tuần Quán 2, các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện phát hiện được một số gạch ngói, mảnh gốm và sành được xác định niên đại thế kỷ 17-18. Đặc biệt, nhóm khảo cổ đã khai quật và phát hiện 2 kiến trúc lò nung có mặt bằng tương đối hoàn chỉnh nằm ở độ sâu 1,4 m.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, đây là loại lò nhỏ, ngắn dùng để nung đồ gốm, nhìn tổng thể mặt bằng lò có hình chữ nhật, được xây đắp bằng đất sét, cát và bùn mịn. Dựa vào cấu trúc bộ đôi lò này có những đặc trưng tương ứng với các lò thời Lê, niên đại từ khoảng cuối thời nhà Lê đến đầu thời nhà Nguyễn.
Ngòi Tuần Quán |
Di tích đặc biệt quý hiếm
Từ những cổ vật tại di chỉ Tuần Quán cho thấy đây là di chỉ có giá trị nghiên cứu với sự dịch chuyển của các hình thức cư trú, từ trong các hang động ra các thềm sông, suối giai đoạn hậu kỳ đá cũ ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó Phòng nghiệp vụ, Bảo tàng Yên Bái, tình trạng của di chỉ này khác biệt với phần lớn các di chỉ ngoài trời được khai quật trước đó. Lớp văn hóa chứa các công cụ đá cuội nhưng vẫn giữ địa tầng ổn định và không bị xáo trộn. Di chỉ Tuần Quán là di tích thuộc kỹ nghệ chế tác đá Hòa Bình ngoài trời, có niên đại khoảng 13.000 năm.
Cuộc sống sinh hoạt người Việt cổ được tái hiện sinh tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. |
Bằng chứng về hoạt động sinh hoạt, chế tác công cụ của con người rất rõ ràng với than tro, cùng tàn tích thức ăn. Di chỉ đã cho thấy sự tồn tại những công cụ chuyển tiếp giữa văn hóa Sơn Vi và Hòa Bình. Do đó, di chỉ Tuần Quán có giá trị cao trong nghiên cứu khảo cổ học, khoa học di sản và bảo tàng học.
Ông Nguyễn Tiến Hòa cho biết thêm, với những tàn tích của vỏ hạt trám khá dày đặc trong tầng văn hóa và tàn tích than củi, chứng minh Tuần Quán là di tích cư trú của người tiền sử với công cụ được chế tác tại chỗ. Điều đó, rất quan trọng trong việc nghiên cứu sự sống của con người tiền sử tại Yên Bái, bởi đối với các di chỉ ngoài trời có tầng văn hóa nguyên vẹn cơ bản hiện nay mới chỉ tìm thấy ở tỉnh Yên Bái.
Mô phỏng di chỉ khảo cổ văn hóa Hòa Bình tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. |
“Di chỉ khảo cổ Tuần Quán là di tích đặc biệt quý hiếm trong hệ thống các di tích khảo cổ thời kỳ tiền sử ở Việt Nam. Các di chỉ này giữ một vai trò rất quan trọng để tìm hiểu các quan điểm khoa học về nguồn gốc văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á”, ông Nguyễn Tiến Hòa.
Dọc sông Hồng đoạn qua Yên Bái là nơi hội tụ của dòng lịch sử có 70 địa điểm di tích từ thời văn hóa Sơn Vi (thời hậu kỳ đá cũ), văn hóa Hòa Bình (thời kỳ đá mới) có nhiều di chỉ như bến Mậu A, Tuần Quán, Đồi Bách Lẫm có niên đại 13.000 năm. Thời văn hóa Đông Sơn (cuối thời kỳ đồ đồng, đầu thời kỳ đồ sắt) có hàng loạt di tích: Làng Pha, Mậu Đông, Đào Thịnh, Hợp Minh với trống đồng, thạp đồng..., tiến sĩ Nguyễn Văn Quang cho hay.