Hút khách từ du lịch văn hóa
Chiếc du thuyền Noordam vừa cập cảng Tiên Sa trong ngày đầu năm mới 2025, gần 2.000 du khách nước ngoài háo hức lên bờ rồi tỏa theo những chiếc xe loại 40 chỗ đi tham quan thành phố. Đoàn khách rồng rắn đến bên bờ sông Hàn dạo chơi, ngắm cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, vào công viên APEC và không quên ghé Bảo tàng Điêu khắc Chăm gần đó. Ông Geoff, du khách Úc bày tỏ bất ngờ vì Đà Nẵng có một bảo tàng hơn trăm năm tuổi ngay giữa trung tâm thành phố. “Tôi rất ấn tượng với bộ sưu tập cổ vật điêu khắc Chăm. Những hiện vật này phản ánh nền văn hoá, trình độ nghệ thuật và thẩm mỹ của những nghệ nhân”, ông nói.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những bảo tàng lâu đời nhất nước, hiện đang trưng bày khoảng 400 hiện vật và chia khu trưng bày theo địa điểm tìm ra hiện vật. Đặc biệt, nơi đây còn có 9 Bảo vật quốc gia gồm đài thờ Trà Kiệu, tượng Bồ tát Tara, tượng thần Ganesha, tượng Gajasimha, Apsara, đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Đồng Dương, tượng thần Shiva, đản sinh Brahma càng gây sự tò mò, hấp dẫn du khách. Đại diện bảo tàng chia sẻ, từ tháng 10 đến đầu năm sau là cao điểm của khách quốc tế. Những người đam mê văn hóa, đặc biệt văn hóa Chăm không thể bỏ qua nơi này. Có tháng, bảo tàng đón hàng chục ngàn lượt khách.
![]() |
Du khách quốc tế thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Ảnh: Thanh Hiền. |
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao nhìn nhận, Đà Nẵng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển các ngành văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Đây là một trong những lĩnh vực được xác định mũi nhọn, ưu tiên phát triển của thành phố. Một số di tích trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Vì vậy, ngành văn hóa đã định hướng phát huy hệ thống di tích, lễ hội trong hoạt động kinh tế du lịch.
Ngoài Thành Điện Hải nằm giữa trung tâm, danh thắng Ngũ Hành Sơn,… Đà Nẵng cũng đã bắt tay với Huế để hồi sinh Di tích quốc gia Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Chính quyền hai địa phương đánh giá nơi đây là tài nguyên du lịch độc đáo, có tiềm năng liên kết vùng và có thể trở thành mỏ vàng nếu được quản lý, khai thác một cách khoa học, hiệu quả.
Cùng cả nhóm mê phượt chạy xe máy leo đèo lên Thiên hạ đệ nhất hùng quan, chị Dulcie 27 tuổi, du khách người Anh hào hứng leo từng bậc thang vào sâu bên trong di tích. Những lối đi, viên gạch, nhà trú sở, nhà vũ khố, tường đá được tu bổ kiên cố, mới mẻ nhưng vẫn giữ kiến trúc, đúng với nguyên gốc của di tích. “Đây là công trình kiến trúc thành lũy quân sự rất ấn tượng, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Đứng từ đây có thể nhìn về hai phía Huế và Đà Nẵng. Tôi rất vui vì Hải Vân Quan đã được phục hồi, bảo vệ”, chị Dulcie nói.
Lọt mắt xanh nhà làm phim quốc tế
![]() |
Hải Vân Quan hút du khách sau khi được trùng tu. Ảnh: Thanh Hiền. |
Bà Hội An chia sẻ thêm, nhắc đến công nghiệp văn hóa, không thể không kể đến các sự kiện, lễ hội tầm cỡ khu vực và quốc tế, nhất là khi Đà Nẵng được mệnh danh điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á.
Đà Nẵng xác định công nghiệp văn hóa là một trong những đột phá, hướng đi mới trong bối cảnh sáng tạo và công nghệ đang là xu hướng. Thành phố đang hoàn thiện đề án "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030", trong đó chú trọng phát triển các ngành du lịch văn hóa, điện ảnh, thiết kế...
Mỗi năm, giữa mùa hè, sông Hàn lại chiêu đãi người dân và du khách khắp năm châu đại tiệc ánh sáng từ Lễ hội pháo hoa quốc tế. Nhiều đêm thi đấu của các đội hết sạch vé, du khách đành phải tìm đến những tòa nhà cao tầng để thưởng ngoạn màn “khiêu vũ của ánh sáng” trên bầu trời. Năm 2024, các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ hơn 1,5 triệu lượt khách trong hai tháng diễn ra sự kiện, doanh thu du lịch đạt hơn 16.000 tỷ đồng.
“Sau 12 kỳ tổ chức, lễ hội pháo hoa quốc tế đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng, thúc đẩy kinh tế, du lịch của thành phố”, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố, lễ hội có chủ đề Đà Nẵng - Kỷ nguyên mới và diễn ra dài hơn mọi năm với 6 đêm thi. Các cao thủ pháo hoa từ Phần Lan, Anh, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hàn Quốc, Ý, Canada, Trung Quốc và đội chủ nhà Việt Nam sẽ so tài trên bầu trời thành phố sông Hàn.
Đà Nẵng còn là điểm hẹn của những liên hoan phim, hội thảo về điện ảnh, nghệ thuật. Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng DANAFF đã trải qua 2 kỳ tại Đà Nẵng, quy tụ nhiều nhà làm phim uy tín, nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố nhìn nhận Liên hoan phim DANAFF thường niên là hoạt động quan trọng của Đà Nẵng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và du lịch của thành phố đến với bạn bè quốc tế, hướng đến mục tiêu đưa thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố của sự kiện điện ảnh.
Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng được các đoàn làm phim quốc tế lấy bối cảnh cho phim của họ, điển hình như Taxi Driver của Hàn Quốc gây tiếng vang một thời. Mới đây, thành phố lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất danh tiếng trong ngành điện ảnh Bollywood - Captain Rahul Bali khi thực hiện bộ phim Love in Viet Nam. Bộ phim kể về câu chuyện tình yêu giữa chàng trai Ấn Độ với cô gái Việt, do hai nước cùng hợp tác thực hiện nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam. Phim quay khoảng 75% ở nước ta và Đà Nẵng là một trong những địa điểm đoàn tới bấm máy vào cuối năm 2024. Dự kiến, Love In Viet Nam sẽ được công chiếu trên toàn cầu vào dịp cuối hè năm nay, đặc biệt phát hành trên các nền tảng phổ biến như Netflix, Amazon Prime, Disney Hotstar, Zee 5, Sony Live...
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nói rằng thành phố sẽ nghiên cứu các chính sách thu hút, ưu đãi đặc biệt cho các đoàn làm phim vì họ góp phần truyền thông, quảng bá rất lớn cho Đà Nẵng.
"Đoàn làm phim Love in Viet Nam với hơn 100 người đã đến Đà Nẵng và chọn khu du lịch của chúng tôi lưu trú, thực hiện các cảnh quay. Đây là niềm tự hào cho thành phố, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đoàn làm phim tới để hình ảnh Đà Nẵng được lan tỏa rộng rãi hơn, ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước", đại diện một khu du lịch chia sẻ.