Theo kết quả công bố của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm nay cả nước có 917.494 thí sinh dự thi môn Toán. Trong đó, chỉ có 2 thí sinh đạt điểm tối đa 10 điểm là thí sinh Nguyễn Đức Thuận (Phú Thọ) và Nguyễn Trần Công Đạt (TP. Hồ Chí Minh). Các tỉnh có truyền thống hiếu học và khoa cử như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng đều vắng bóng điểm 10 môn Toán. Thậm chí, Hà Nội là địa phương có số thí sinh dự thi gần bằng 1/10 của cả nước cũng không có điểm 10 môn Toán. Trong khi đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, cả nước có 300 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, so với năm nay, điểm 10 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả nước cũng chỉ có 7 thí sinh đạt 9,8 điểm môn này. Theo thống kê của Tiền Phong, nếu tính từ điểm 6 đến điểm 10, cả nước có trên 230.900 bài thi trong tổng số 917.494 bài, chiếm trên 25,16%. Số thí sinh có điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm) là 454.345 / 917484 thí sinh dự thi, chiếm 49,52%.
Số thí sinh bị điểm 0 môn Toán là 951 thí sinh. Còn nếu tính từ điểm liệt (1 điểm) thì môn Toán có 1558 thí sinh. Như vậy, riêng môn Toán, đã có 1558 thí sinh bị trượt tốt nghiệp. Nhận định về phổ điểm môn Toán năm nay, Bộ GD&ĐT cho biết mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất (đỉnh của phổ điểm) là 5,40.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia, một chuyên gia cho biết phổ điểm môn Toán năm nay nghiêm về mục tiêu xét tuyển ĐH. Các trường ĐH năm nay xét tuyển dễ hơn nhưng mục tiêu phục vụ tốt nghiệp không đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng dưới con mắt của các trường ĐH, thì phổ điểm môn Toán năm nay khá đẹp. Với những trường ĐH top trên như Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, khối trường Y Dược thì phổ điểm năm nay phân loại được thí sinh nên các trường sẽ chọn được những thí sinh tốt nhất. Đặc biệt, trường ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu thí sinh phải có điểm toán từ 6 điểm trở lên mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển thì phổ điểm năm nay hoàn toàn đáp ứng được nguyện vọng của trường.
Tuy nhiên, theo ông Điền, với phổ điểm môn Toán này, các trường top dưới và top giữa tuyển sinh sẽ khó khăn. Vì số lượng thí sinh đạt điểm 3, đạt điểm 4 tương đương với số lượng thí sinh đạt điểm 5 và điểm 6. Vì thế ở phổ điểm này, đề thi không có sự phân hóa.
Nhận định thêm về phổ điểm môn Ngoại ngữ, theo ông Điền, với những ngành xét tuyển những tổ hợp có môn ngoại ngữ năm nay sẽ không có lợi. Đặc biệt là ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những tổ hợp như A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) thì không có lợi cho thí sinh. Vì điểm chuẩn đầu vào của trường không phân biệt theo tổ hợp xét tuyển.
Điểm chuẩn sẽ thế nào?
Với phổ điểm theo khối thi để xét tuyển ĐH mà Bộ GD&ĐT công bố hôm qua, thì các khối thi truyền thống có số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên vẫn chiếm số lượng lớn nhất. Trong đó, khối C01 (Văn, Toán, Lý) tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 16,6 điểm. Mức điểm này cũng cao nhất trong các khối thi. Tiếp đến là khối A00 (Toán, Lý, Hóa) với mức điểm là 16,25 điểm. Khối D có mức điểm thấp nhất là 15 điểm.
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, dạng phổ điểm của tất cả các môn thi, bài thi đều tiệm cận gần với phân phối chuẩn. Điểm trung bình và trung vị của các môn gần như nhau. Điểm thi có sự phân hóa cao, điều này tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ xây dựng điểm chuẩn vào các ngành khác nhau. Các môn Toán, Ngữ văn, Vật lí, Địa lí có điểm trung bình trong khoảng (5; 6). Các môn Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tiếng Anh có điểm trung bình trong khoảng (4;5). Các môn Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Địa lí, số lượng thí sinh có điểm trên trung bình đều trên 50%. Đối với một số khối thi (A, A1, B, C, C01, D).
Tổng điểm của các khối thi đều có phân phối tiệm cận gần tới phân phối chuẩn, điểm trung bình và trung vị của các khối thi gần như nhau. Tổng điểm theo các khối thi có độ phân tán cao, phân hóa tốt hơn so với tổng điểm theo các khối thi của năm 2017. Điểm trung bình của tổng điểm của các khối thi được phân tích đều lớn hơn 15.
Một chuyên gia về tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nhận định với phổ điểm năm nay có thể chia thành ba mức điểm chuẩn. Thứ nhất với mức điểm chuẩn từ 24 điểm trở lên, năm nay sẽ giảm từ 2 đến 3 điểm tùy theo từng khối thi. Thứ hai, với các trường lấy mức điểm chuẩn từ 20 điểm đến dưới 24 điểm so với năm 2017 sẽ giảm từ 1 điểm đến 1,5 điểm tùy khối thi. Cuối cùng mức điểm chuẩn từ 15 đến dưới 20 điểm thì sẽ không thay đổi so với năm 2017. “Như vậy, có thể nói, điểm chuẩn chủ yếu giảm ở các trường top trên, nhưng mức giảm cũng không nhiều và giảm tùy từng khối thi. Trong đó, khối thi bị giảm nhiều sẽ là khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và B00 (Toán, Hóa, Sinh)” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.