Điểm chuẩn Trường ĐH Ngoại thương vượt ngưỡng 30: Hiểu thế nào cho 'chuẩn'?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhìn vào ngưỡng điểm trúng tuyển (tạm thời) do Trường Đại học Ngoại thương công bố, dư luận băn khoăn vì có nhiều ngành, điểm chuẩn vượt ngưỡng 30 điểm.

Trong hướng dẫn tuyển sinh đại học 2023 được ban hành đầu tháng 5, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) khi công bố ngưỡng điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) đối với tất cả các phương thức, phải quy về thang điểm 30/30.

Điểm chuẩn Trường ĐH Ngoại thương vượt ngưỡng 30: Hiểu thế nào cho 'chuẩn'? ảnh 1

Ảnh: internet

Tuy nhiên, trên thực tế, từ đầu năm, nhiều trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh. Vì vậy, nếu thay đổi, điều chỉnh đề án sẽ kéo theo hệ lụy đối với xã hội, gây hoang mang cho thí sinh.

Nhiều trường ĐH với các phương thức xét tuyển sớm sử dụng thang điểm không phải 30/30 mà có thể là 40/40 hoặc 35/35 vì có cộng điểm khuyến khích, điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực hay giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Vừa qua, Trường ĐH Ngoại thương công bố điểm chuẩn 3 phương thức xét tuyển sớm trong số 6 phương thức tuyển sinh của trường. Trong đó, phương thức 1, đối tượng học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố có điểm chuẩn vượt ngưỡng 30. PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương thông tin trong đề án tuyển sinh, trường quy định rõ công thức tính và điểm tối đa của phương thức xét này là 34, không phải 30 điểm (gồm 30 điểm từ ba môn trong tổ hợp xét + tối đa 4 điểm cộng thí sinh đạt giải nhất quốc gia). Còn đối tượng thí sinh xét tuyển kết hợp học bạ với giải học sinh giỏi cấp tỉnh điểm tối đa là 32.

Trường cũng nêu rõ, sau khi tính toán điểm của thí sinh, sẽ thực hiện quy đổi mức tổng điểm về thang 30 để thí sinh nắm rõ.

Do đó, cột điểm vượt ngưỡng 30 chính là điểm thô của thí sinh, chưa được quy đổi về thang 30 theo yêu cầu của Bộ.

Ví dụ chương trình tiêu chuẩn Thương mại quốc tế đối với thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh điểm chuẩn có điều kiện là 30,3 và học sinh giỏi quốc gia là 28,6. Đây chính là ngưỡng điểm thô của thí sinh được tính trên thang điểm 32 và 34. Sau khi quy đổi về thang điểm 30 thì điểm chuẩn là 28,4 điểm.

Các ngành khác với phương thức xét tuyển này cũng như vậy.

Theo bà Hiền, nhà trường phải thông báo cả mức điểm thô và điểm chuẩn chính thức để thí sinh và phụ huynh hiểu rõ đồng thời khẳng định nhà trường tuân thủ theo đề án tuyển sinh đã được công bố trước đó cũng như quy định của Bộ GD&ĐT.

MỚI - NÓNG