Điểm chuẩn ngành kinh tế phát triển khá cao

Điểm chuẩn ngành kinh tế phát triển khá cao
TPO - Kinh tế phát triển là ngành có tuổi đời khá trẻ, được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học khối kinh tế từ năm học 1993-1994. Điểm chuẩn của ngành này thường khá cao, từ 22 - 24 điểm.

Những trường đào tạo ngành Kinh tế phát triển: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội)…

Theo các nhà kinh tế học, Kinh tế phát triển (Economics of development) là một trong những khoa học kinh tế khám phá và giải thích quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Kinh tế phát triển thể hiện một lĩnh vực nghiên cứu khoa học riêng về mặt lý thuyết và còn đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Mục tiêu của Kinh tế phát triển là nhằm cung cấp một cơ sở lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển kinh tế, để các nước đang phát triển có thể vận dụng vào hoàn cảnh riêng, tìm kiếm được con đường phát triển thích hợp, cải thiện tình trạng chưa tiến bộ của từng quốc gia.

Môn học Kinh tế phát triển được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học trên thế giới từ rất lâu. Riêng Việt Nam, nó chính thức được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học khối kinh tế từ năm học 1993 - 1994.

Chương trình đào tạo Cử nhân Kinh tế Phát triển được xây dựng nhằm cung cấp đội ngũ các chuyên gia Kinh tế Phát triển có khả năng phát triển chuyên sâu, có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất tốt, có khả năng làm việc hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau - đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách và quản lý quá trình phát triển - góp phần tích cực vào việc đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Chuyên ngành kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đào tạo cử nhân kinh tế có thể phân tích, tham gia hoạch định và tư vấn thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành và lĩnh vực; quản lý các quá trình phát triển; xây dựng, phân tích, thẩm định và chỉ đạo thực hiện các chương trình và dự án phát triển; phân tích và dự báo kinh tế - xã hội; mô hình hóa tăng trưởng kinh tế; tổ chức các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện các dự án phát triển với nước ngoài.

Tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, các bộ và cơ quan ngang bộ, các sở, ban ngành ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các viện nghiên cứu kinh tế, các trường ĐH, CĐ và TCCN, làm việc cho các dự án phát triển kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước, Bộ Kế hoạch - đầu tư, các vụ kế hoạch của các bộ, sở kế hoạch của tỉnh, phòng kế hoạch các quận (huyện).

Các mục tiêu cụ thể của chương trình:

Về kiến thức: Cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản và có hệ thống về Kinh tế học và Kinh tế phát triển, đồng thời trang bị cho người học một khối lượng kiến thức chuyên ngành cần thiết theo hướng chuyên sâu, tiếp cận với tri thức hiện đại, bảo đảm hình thành phương pháp luận khoa học để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của quá trình phát triển kinh tế, có khả năng thích nghi cao với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế – xã hội.

Về kỹ năng: Người học được trang bị kỹ năng phân tích và đánh giá các vấn đề của phát triển kinh tế hiện đại. Các chương trình chuyên sâu giúp người học rèn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá, hoạch định chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề của phát triển kinh tế đương đại như hoạt động của khu vực công trong nền kinh tế thị trường, phát triển kinh tế với quản lý môi trường, phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội,…

Về thái độ: Các cử nhân Kinh tế Phát triển trước hết là những người có phẩm chất đạo đức chính trị tốt, có thái độ đúng đối với cộng đồng, Tổ quốc; có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Về ngoại ngữ: Các cử nhân Kinh tế phát triển có trình độ Tiếng Anh đủ để giao tiếp và làm việc chuyên môn liên quan đến kinh tế phát triển.

Về vị trí sau khi tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Phát triển, người học có thể làm việc với tư cách là một chuyên gia Kinh tế Phát triển và nhà quản lý phát triển. Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Phát triển có thể làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế (ở trung ương, ngành hay địa phương), các cơ quan hoạch định và phân tích chính sách kinh tế, các dự án phát triển, các khu kinh tế, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng, các tổ chức phi chính phủ, và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. v.v…

Đại học Kinh tế- ĐH QGHN: Điểm chuẩn gành Kinh tế phát triển, Khối A: 23,5, khối D1: 21 điểm

Điểm chuẩn ngành này của Đại học Kinh tế quốc dân năm 2008 là 22; năm 2007 là 24; năm 2006 là 21,5; năm 2005 là 24,5...

Đỗ Hợp
Theo Viết
MỚI - NÓNG