Điểm cao trượt, điểm thấp lại đậu

Điểm cao trượt, điểm thấp lại đậu
Trong khi hàng ngàn thí sinh tranh nhau vài trăm suất vào học ngành bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y dược TP.HCM với điểm chuẩn cao chót vót, ít ai biết nhiều thí sinh điểm thấp hơn vẫn trúng tuyển. Ngoài ra, còn nhiều con đường khác trở thành bác sĩ từ trường này.

Thi vào trường ĐH Y dược TPHCM:

Điểm cao trượt, điểm thấp lại đậu

Trong khi hàng ngàn thí sinh tranh nhau vài trăm suất vào học ngành bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y dược TP.HCM với điểm chuẩn cao chót vót, ít ai biết nhiều thí sinh điểm thấp hơn vẫn trúng tuyển. Ngoài ra, còn nhiều con đường khác trở thành bác sĩ từ trường này.

Phụ huynh đối thoại với đại diện Trường ĐH Y dược TP.HCM về việc tuyển sinh năm 2012 chiều 15-8. Ảnh: N.Hùng
Phụ huynh đối thoại với đại diện Trường ĐH Y dược TP.HCM về việc tuyển sinh năm 2012 chiều 15-8. Ảnh: N.Hùng.

Ròng rã nửa tháng nay là khoảng thời gian đầy căng thẳng và khó khăn với nhiều phụ huynh, thí sinh của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Ngay sau khi trường công bố điểm thi, nhiều thí sinh dự thi ngành bác sĩ đa khoa đạt mức 25,5-26 điểm đinh ninh mình sẽ trúng tuyển.

Tuy nhiên từ vui mừng, thí sinh và cả phụ huynh rơi vào hụt hẫng khi biết chỉ tiêu tuyển sinh mới của nhà trường, trong 600 chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa có 300 chỉ tiêu hợp đồng đào tạo.

Không rõ ràng

Họ hi vọng để rồi tuyệt vọng. Họ bức xúc bởi nhà trường đã không rõ ràng trong việc công bố chỉ tiêu ban đầu nên gây hiểu nhầm cho họ.

Trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Trường ĐH Y dược TP.HCM chỉ công bố tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 2.760 và ghi “Mọi thông tin chi tiết về tuyển sinh tham khảo tại website của trường”. Trên website của trường lại thấy tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy được trường công bố ngày 30-3 giảm còn 1.660, gồm hai diện “ngân sách nhà nước” và “hợp đồng đào tạo”.

Riêng ngành bác sĩ đa khoa với 600 chỉ tiêu, trong đó có 300 chỉ tiêu hợp đồng đào tạo nhưng nhà trường không nêu chi tiết chỉ tiêu dự bị dân tộc, cử tuyển, tuyển thẳng cũng nằm trong số này.

Ngoài ra, phần hợp đồng đào tạo không có bất kỳ thông tin nào về đối tượng, điều kiện, vùng tuyển của diện này. Điều này khiến hầu hết thí sinh, phụ huynh đều nghĩ nếu không lọt vào top 300 mà nằm trong top 600 của trường thì vẫn có nhiều cơ hội được vào học diện hợp đồng đào tạo.

Lạ kỳ thay, đến đầu tháng 8-2012, nghĩa là sau khi kết quả thi tuyển sinh đại học đã được công bố, tin này được “cập nhật” thành: trong 600 chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa có 300 chỉ tiêu hợp đồng đào tạo (trong đó có 200 chỉ tiêu Tây Nam bộ) và vẫn ghi chú “chỉ tiêu hệ dự bị không có”.

Bí mật hợp đồng đào tạo

Nói về số chỉ tiêu đào tạo cho các tỉnh Tây Nam bộ, GS.TS Lê Quan Nghiệm - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết trong công văn ngày 10-1 gửi Bộ GD-ĐT đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, trường đăng ký 600 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa gồm 300 chỉ tiêu ngân sách nhà nước và 300 chỉ tiêu diện hợp đồng đào tạo cho địa phương.

Sau đó đến ngày 1-2, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị Trường ĐH Y dược TP.HCM đào tạo 200 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa cho Tây Nam bộ và Bộ Y tế đã chấp thuận.

Đến ngày 7-3, Bộ GD-ĐT đồng ý duyệt chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2012 theo đúng đề xuất ban đầu của nhà trường (không đề cập diện hợp đồng đào tạo - PV).

Và đến ngày 8-8, hội đồng tuyển sinh họp và phân bổ 600 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa lần lượt là: diện chính sách 114 chỉ tiêu, đào tạo cho Tây Nam bộ 200 chỉ tiêu, còn lại 286 chỉ tiêu dành cho số thí sinh có điểm cao nhất (26,5 điểm trở lên).

GS Nghiệm thừa nhận: “Năm nay phát sinh số tuyển thẳng, đến tháng 7-2012 chúng tôi mới biết số chỉ tiêu của đối tượng này. Còn chỉ tiêu dự bị đã được tuyển từ năm 2011, họ phải học bổ sung kiến thức một năm và được tuyển vào học năm nay”.

Cách phân bổ này đã đẩy điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa hệ chính quy của Trường ĐH Y dược TP.HCM lên cao chót vót. Trong khi đó, điểm chuẩn để trở thành sinh viên ngành bác sĩ đa khoa theo diện hợp đồng đào tạo bao nhiêu đến nay vẫn là một bí mật.

Một điều ai cũng biết chắc chắn là điểm chuẩn đó sẽ thấp hơn điểm chuẩn hệ ngân sách.

GS Nghiệm cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu từng tỉnh, nhà trường sẽ xác định điểm chuẩn có thể thấp hơn mức điểm của diện trong ngân sách”.

Như vậy, theo cách hiểu thông thường, đối với diện này việc tuyển sinh viên vào ngành bác sĩ để đáp ứng yêu cầu số lượng chứ không còn theo trình độ của thí sinh.

Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2011, nhà trường xác định mức điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa của các thí sinh diện hợp đồng đào tạo các tỉnh Tây Nam bộ thấp hơn 2 điểm so với diện trong ngân sách. Và những sinh viên này cũng được đào tạo để trở thành bác sĩ đa khoa.

Nhiều đường thành bác sĩ

Bên cạnh diện hợp đồng, theo tìm hiểu của chúng tôi, còn khá nhiều con đường khác để trở thành sinh viên ngành bác sĩ đa khoa của trường này. Đầu tiên là diện tuyển thẳng. Hằng năm Trường ĐH Y dược TP.HCM tổ chức nhiều hình thức đào tạo bác sĩ đa khoa khác để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn hiện nay của cả nước.

Năm 2012, trường dành 100 chỉ tiêu hợp đồng đào tạo hệ liên thông. Đối tượng tuyển sinh là các y sĩ đa khoa đang công tác tại các đơn vị thuộc Quân khu 7, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn của Quân khu 7 và các đơn vị y tế ở năm tỉnh Tây nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng).

Năm 2011, ngoài số thí sinh hợp đồng đào tạo hệ ĐH chính quy cho các tỉnh thành Tây Nam bộ, nhà trường còn hợp đồng đào tạo liên thông trình độ ĐH ngành bác sĩ đa khoa tại Đà Nẵng và Tiền Giang với hàng trăm chỉ tiêu.

Đối tượng tuyển sinh là những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp y sĩ đa khoa, đang công tác tại các cơ sở y tế và được sở y tế các địa phương cử đi học.

Thật ra những người học các hệ đào tạo này cũng phải trải qua kỳ thi tuyển sinh nhưng không đến mức khắc nghiệt như hệ chính quy (thí sinh TCCN thi toán, hóa và chuyên môn; thí sinh CĐ thi giải phẫu và chuyên môn)... Và tất cả sau quá trình đào tạo đều trở thành bác sĩ đa khoa.

Xét tuyển NV2 ngành bác sĩ đa khoa

Tối 16-8, sau khi họp hội đồng tuyển sinh, Trường ĐH Y dược TP.HCM đã quyết định điểm chuẩn và thông báo xét tuyển nguyện vọng 2 ngành bác sĩ đa khoa hệ chính quy của trường.

Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành bác sĩ đa khoa đối với đối tượng học sinh phổ thông, khu vực 3 là 25,5 điểm. Đồng thời nhà trường tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 2 đối với đối tượng học sinh phổ thông, khu vực 3 có tổng điểm thi đại học khối B từ 25,5 điểm trở lên. Tuy nhiên chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2 chỉ có 37. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 21 đến 31-8-2012 tại phòng đào tạo Đại học Y dược TP.HCM.

Đây là kết quả đạt được sau buổi làm việc ngày 15-8 giữa Bộ GD-ĐT với Trường ĐH Y dược TP.HCM về chỉ tiêu tuyển sinh ngành bác sĩ đa khoa. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã yêu cầu trường thông báo chỉ tiêu bao nhiêu phải tuyển đủ bấy nhiêu. 200 chỉ tiêu dành để hợp đồng đào tạo với vùng Tây Nam bộ là chỉ tiêu riêng, không nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy 2012 trường đã đăng ký.

Đây là năm thứ hai liên tiếp trường phải hạ điểm chuẩn ngành này trước áp lực của thí sinh, phụ huynh. Theo đó, ngành bác sĩ đa khoa của trường sẽ tuyển đủ 600 chỉ tiêu (gồm chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2012, chỉ tiêu tuyển thẳng, dự bị dân tộc, cử tuyển).

Theo Trần Huỳnh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG