Mới đây, Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận một bệnh nhi 5 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội, bị nhiễm trùng tai giữa có mủ khá nặng.
Chị Nguyễn Thị Hà, mẹ cháu cho biết: “Cháu thường hay chơi ngoài sân với chúng bạn. Gặp phải hôm trời trở lạnh, tối về thấy thằng bé sụt sịt. Hôm sau tôi có nhỏ thuốc mũi cho cháu nhưng không thấy hết, bé lại kêu ngứa, đau họng. Ra hiệu thuốc mua thuốc cho cháu uống khoảng 10 ngày, không thấy đỡ mà có vẻ còn nặng hơn, mũi cháu chảy nước vàng giống như mủ, không chỉ có họng mà tai cũng bị đau. Đưa con đến bệnh viện khám mới biết cháu bị viêm mũi họng nặng, viêm amidan quá phát, dẫn tới nhiễm trùng tai giữa có mủ”.
Theo bác sĩ điều trị cho con chị Hà, tai trái của bé bị viêm nhiễm nặng, màng nhĩ thủng nên nguy cơ bị điếc là rất cao.
Không cẩn thận dễ điếc tai
Viêm mũi ở trẻ em vẫn được xem là bệnh thông thường nên bố mẹ hay bỏ qua hoặc tự điều trị cho bé, rất dễ gây biến chứng. Theo BS.Cao Hồng Phúc (Học viện Quân y): Tai, mũi, họng thông nhau (mũi thông với họng thông qua cửa mũi sau, họng thông với tai bởi vòi nhĩ đi từ họng thẳng lên tai giữa); nên khi 1 trong 3 cơ quan này bị viêm, nhiễm trùng thì có thể dẫn tới cơ quan khác gần kề nó cũng bị bệnh. Khi mũi bị viêm, dịch mũi rất dễ bị chảy xuống họng. Trong dịch mũi chứa một số virus, vi khuẩn nằm ở cửa mũi trước và các vách mũi nên thường gây ra viêm họng, viêm amidan, viêm các hạch bạch huyết vùng hầu họng.
Nguy hiểm nhất là viêm amidan vòi (nằm ngay đường thông thương họng và tai). Khi tuyến này bị viêm, sẽ sưng lên, chảy mủ, làm tắc vòi nhĩ và gây viêm tai giữa.
Tình trạng viêm này rất dễ lan tràn nếu có sự phối hợp viêm của các amidan khác nằm trong vùng hầu họng. Lúc này, bệnh có thể gây ra ổ mủ ở tai, phá thủng màng nhĩ và gây điếc. Chưa kể, nhiễm trùng tai giữa rất dễ gây ra viêm tai xương chũm, viêm tai trong, viêm hệ thống xương nhỏ dẫn truyền âm thanh trong tai. Tất cả các biến chứng này đều có thể gây ra điếc vĩnh viễn khó khắc phục.
Dùng thuốc đúng, tránh nguy cơ điếc tai
Bác sĩ Phúc cho biết: Đa phần các chứng viêm mũi đều do virus gây ra. Ở trường hợp của con chị Hà, dịch mũi chảy ra nhiều, chảy xuống họng gây viêm họng và viêm khí phế quản. Bởi vậy, nếu gặp phải tình trạng tương tự, bố mẹ cần nhỏ thuốc mũi cho con ngay trong những ngày đầu bị bệnh. Chỉ cần dùng thuốc nhỏ mũi 3-5 ngày đầu là tình trạng viêm mũi của trẻ có thể ổn.
Bên cạnh đó, cần tránh gió lùa, không đưa trẻ ra đường quá sớm hoặc khi trời trở lạnh, thất thường; hạn chế tắm nắng cho trẻ vào những ngày thời tiết thay đổi liên tục. Bạn cũng cần cho trẻ vệ sinh răng miệng đầy đủ, súc họng nước muối nhạt vào buổi tối trước khi ngủ và sau khi ăn sáng để tránh viêm nhiễm lan tràn.
Nếu trẻ viêm mũi có biểu hiện ho, đau họng hoặc khó nuốt, ù tai hoặc nghe kém, nhiều khả năng amidan vòi đang bị viêm. Bạn dễ dàng kiểm tra họng của con bạn bằng cách bảo con há miệng to và nói “a” thật to và dài. Khi amidan bị viêm, bạn sẽ khó nhìn thấy cổ họng của bé vì bị amidan bịt kín. Còn khi mũi của trẻ có hiện tượng chảy dịch vàng đồng nghĩa với việc đã có nhiễm trùng điển hình, rất dễ dẫn đến viêm tai hoặc viêm amidan biến chứng.
Trong cả hai trường hợp trên, bạn đều phải đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh thuốc nhỏ mũi, có thể bác sĩ sẽ kê thêm cho con bạn thuốc thuốc kháng sinh và chống viêm. Bạn bắt buộc phải dùng đúng liệu trình để tránh viêm amidan vòi mãn tính ảnh hưởng đến thính giác của trẻ.