Dịch vụ 'chặt chém' vây người bệnh

Căng tin bệnh viện luôn bán suất ăn với giá cao hơn bên ngoài, nhưng chất lượng không tương ứng. Ảnh: T.H.
Căng tin bệnh viện luôn bán suất ăn với giá cao hơn bên ngoài, nhưng chất lượng không tương ứng. Ảnh: T.H.
TP - Hàng loạt bệnh viện “ép” bệnh nhân sử dụng dịch vụ trong khuôn viên với giá cao hơn bên ngoài nhiều lần. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng các bệnh viện và cơ quan chức năng chậm xử lý.

Phí  gửi xe cao hơn quy định

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, đa số các bệnh viện trong nội thành rất ít chỗ gửi xe máy cho người nhà bệnh nhân, trong khi các bãi xe bên ngoài đều thu giá vé cao hơn nhiều lần so với giá quy định.

Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, thời gian trước đây, muốn gửi xe máy hay ô tô vào viện rất khó bởi bãi xe bên ngoài thường xuyên đông kín chỗ. Nhiều người nhà bệnh nhân muốn vào viện thăm người thân còn phải gửi xe ở các ngõ đối diện bệnh viện với giá 10 – 20 ngàn đồng/xe máy. Thời gian gần đây, phía tiếp giáp với đường Phủ Doãn mới được mở một bãi trông giữ xe của bệnh viện. Tuy nhiên, với diện tích nhỏ, hẹp, nên dù giá xe được niêm yết công khai 3.000 đồng/lượt, nhưng rất ít người nhà bệnh nhân có thể gửi xe vào đây. Khi bãi xe của bệnh viện đã kín chỗ, bắt buộc người nhà bệnh nhân phải gửi xe ở địa điểm cũ – trên vỉa hè bên lề đường Phủ Doãn tiếp giáp bệnh viện. Dù giá vé đã được niêm yết trên bảng trong bãi giữ xe, nhưng những người trông xe này đều thu cao hơn với giá 5.000 đồng/xe.

Cạnh Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Phụ sản T.Ư nằm trên phố Triệu Quốc Đạt cũng có một bãi xe nằm trong khuôn viên, nhưng chỉ dành cho công nhân viên của bệnh viện. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải gửi xe ngoài vỉa hè. Theo ghi nhận của phóng viên, vé của điểm trông giữ xe số 1 Triệu Quốc Đạt ghi là 3.000 đồng, tuy nhiên, những người trông giữ xe vẫn lấy 5.000 đồng/xe và không giải thích lý do.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cổng Bệnh viện K Hà Nội (Quán Sứ). Dù trong khuôn viên vẫn còn chỗ để xe máy, nhưng những người bảo vệ bệnh viện đã đặt tấm biển chỉ dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra gửi xe trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt. Chiếc vé ghi công ty cổ phần 901 có địa chỉ số 4B, xóm Thắng Lợi, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng. Trên vé ghi rõ vé trông giữ xe máy ban ngày 3.000 đồng/lượt, nhưng nhà xe này lấy bút ghi đè biển số xe lên giá niêm yết với giá 5.000 đồng.

 Cơm bệnh viện đắt mà không ngon

Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện cũng có giá “cắt cổ” bệnh nhân và người nhà. Đơn cử như tại bệnh viện Răng hàm mặt. Căng tin bệnh viện trên tầng 4 khá sơ sài, nhưng một chai nước lavie bình thường giá 4.000 đồng được nâng giá thành 7.000 đồng. Không có tiền trả lại, nhân viên bán hàng trong căng tin trả phóng viên một chiếc kẹo cao su thay 3.000 tiền thừa.

Trong khi đó, tại bệnh viện K, một số loại nước ngọt, nước đóng chai cũng tăng giá 20 - 30%. Một số bệnh viện khác như Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân y 108 các mặt hàng trong căng tin đều tăng giá nhiều. Ông Lại Quốc Thịnh (quê Thanh Hóa) cho hay, ông đã lên Bệnh viện K điều trị ung thư lần thứ 4, lần nào cũng vào căng tin bệnh viện ăn trưa vì không biết hàng quán nào khác quanh khu vực này. Dù gia đình không quá khó khăn, nhưng chi phí mỗi lần điều trị lên đến hàng chục triệu đồng cũng “vắt kiệt” tài sản gia đình. Theo ông Thịnh, tất cả chi phí ăn ở phải tiết kiệm hết mức để lấy tiền xạ trị, thế nhưng các dịch vụ bệnh viện cũng có giá cao hơn nhiều so với bên ngoài. Không có lựa chọn khác, nên người bệnh đành phải sử dụng. Đơn cử như tại căng tin bệnh viện K, một suất cơm ông Thịnh mua giá 30 ngàn đồng, cộng với lon nước ngọt “bò húc” có giá 14 ngàn đồng, cao hơn bên ngoài rất nhiều.

Gần 12h trưa, có mặt tại bệnh viện Phụ sản T.Ư, chúng tôi gặp bà Loan (Văn Giang, Hưng Yên) đưa con gái lên sinh cháu. Mua suất cơm 25 nghìn ở căng tin bệnh viện, bà Loan bảo đắt hơn ở ngoài nhiều. Suất cơm chỉ có cơm, thức ăn gồm bắp cải và 1 ít tép. Bà Loan bảo, lên bệnh viện trung ương phải chấp nhận chứ biết làm sao.

Một cán bộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, có tình trạng độc quyền dịch vụ ở các bệnh viện hiện nay do các bệnh viện đang hướng tới mục tiêu tự chủ tài chính. Khi tự quản, thì chi phí các hoạt động chuyên môn, chi trả lương… lãnh đạo Bệnh viện sẽ phải lo. “Bài toán chi phí, đảm bảo đầu ra, đầu vào cho các bệnh viện hiện nay là vấn đề phải tính toán kỹ lưỡng”, vị cán bộ cho hay.

Đại diện Bệnh viện Việt Đức cho hay, bãi xe bệnh viện mới được mở từ 3 tháng nay để phục vụ bệnh nhân. Được sử dụng thẻ từ nên việc thu đúng giá quy định, dịch vụ trông xe được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên, tình trạng “chặt chém” vẫn diễn ra ở vỉa hè phố Phủ Doãn.

Một cán bộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, có tình trạng độc quyền dịch vụ ở các bệnh viện hiện nay do các bệnh viện đang hướng tới mục tiêu tự chủ tài chính. Khi tự quản, thì chi phí các hoạt động chuyên môn, chi trả lương… lãnh đạo Bệnh viện sẽ phải lo.

MỚI - NÓNG