Nhiệt tình +thiếu hiểu biết
Giữa tháng 3, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) phản ánh việc sơn phủ đỏ choét mảng chạm thế kỷ 17 tinh xảo ở đền Gióng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Sở VHTT Hà Nội cử đoàn thanh tra gồm Ban quản lý Di tích danh thắng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm, UBND xã Phù Đổng kiểm tra ngày 20/3. Kết luận của Sở: Tại di tích đền Thượng đang hoàn thiện việc sơn thếp cột, vì kèo nhà tiền tế, hậu cung, tuy nhiên tại các chân cột, vị trí tiếp giáp các cấu kiện khác hình thức sơn không đều, chưa kín mặt gỗ, tạo nham nhở, không đảm bảo về mỹ thuật. Hai bức chạm nghệ thuật thế kỷ 17-18 hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã sơn đỏ, thếp vàng, không giữ được màu sắc như được ghi nhận tại hồ sơ xếp hạng di tích”.
Dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Phù Đổng do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư và được phê duyệt tại Quyết định số 756 gồm các hạng mục: Đình Hạ Mã, cụm đền Thượng gồm (thủy đình, giếng gạch, kè ao sau đền), chùa Kiến Sơ (Tam quan, Kè ao), cụm đền Hạ (Nhà Mẫu, nhà Từ đền, kè ao trước đền), Miếu Ban gồm (Cổng miếu Ban, miếu Ban, kè ao miếu Ban), sơn thếp (đền Thượng, Đền Hạ, Miếu Ban) và hạ tầng, hệ thống chiếu sáng trong và ngoài nhà, phòng cháy chữa cháy. “Tuy nhiên, việc sơn thếp hai bức chạm nghệ thuật thế kỷ 17-18 hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã sơn đỏ, thếp vàng không được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt”, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết.
Bà Vũ Thị Hải Yến, Trưởng phòng VHTT huyện Gia Lâm thông tin: Làm việc với xã, các cụ trông coi đền Phù Đổng nhận lỗi. Nguyên do của sự đáng tiếc này là dự án tu bổ có thực hiện sơn thếp các hạng mục khác ở bên trong nhưng để lại phần mảng chạm cửa bên ngoài. “Khách thập phương thắc mắc tại sao để hai mảng chạm trông như áo vá nên họ xin được công đức. Đơn vị thi công không ý kiến cũng không hướng dẫn gì nên các cụ đồng ý sơn phủ lên hai mảng chạm và chấn song cửa sổ”, bà Yến nói.
Mảng chạm nghệ thuật thế kỷ 17-18 ở đền Phù Đổng. Ảnh: Nguyễn Đức Bình.
“Nạn dịch” sơn thếp
“Việc sơn thếp thành dịch mất rồi. Tôi nghiên cứu và đi lại các di tích nhiều rồi, cứ vài năm lại thấy thay đổi. Mọi chế tài, tài liệu hướng dẫn và quy trình bảo tồn đúng nguyên liệu gốc đều có nhưng thường không được thực hiện”, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế nói. Anh Trần Ngọc Đông (Vĩnh Phúc) là người kêu gọi các nhà nghiên cứu vào cuộc nhiều năm qua về bất cập trùng tu ba ngôi đình và một ngôi chùa- đều là di tích quốc gia tại Vĩnh Phúc, trong đó cũng có nạn sơn thếp tùy tiện.
Theo đó quá trình trùng tu kéo dài gần chục năm qua chưa xong, ngôi đình Hương trùng tu xong năm 2010 nhưng vẫn dột nát, sau khi báo chí lên tiếng mới có giải pháp khắc phục tạm thời bằng đảo ngói. Sau trùng tu, đơn vị thi công không đảm bảo nguyên trạng khi thêm hạng mục công trình mới toanh như bình phong ở đình Hương. Hơn nữa, gian giữa ở di tích bị biến dạng do phủ sơn công nghiệp cột đình, cửa sơn bằng sơn ta làm biến đổi hiện trạng.
Theo Trần Hậu Yên Thế, màu sắc trong di tích có quy tắc riêng cho từng vị trí, chẳng hạn chỉ chỗ gần ban thờ mới sơn thếp, xung quanh không có, chủ đích tạo điểm nhấn vào phần trung tâm. “Một số di tích có màu truyền thống nay bị sơn phủ lên mặt chạm như vậy coi như hỏng hết. Đền thờ vua Đinh vua Lê cũng có một số mảng chạm trước để mộc nhưng giờ bị sơn thếp lên dù tài liệu chứng minh để mộc. Đặc tính của sơn là bám chắc vào bề mặt và ngấm vào trong, gỗ mộc phủ sơn gần như không có cách khắc phục”, anh nói. Anh lấy ví dụ một số cấu kiện phủ sơn lên không phải là việc làm tốt: Cột gỗ phủ sơn sẽ giữ độ ẩm bên trong nên hay bị rỗng tâm. Nguyên tắc “thở” của các nguyên vật liệu được nêu ra rất nhiều và các chuyên gia luôn khuyến cáo các bức tường di tích cũng phải được thở cho nên tối kỵ việc dùng xi măng, đổ bê tông.
“Ngàn đời nay mộc luôn là nếp sống của người Việt, là ưu thế thẩm mỹ cổ truyền. Về thẩm mỹ thì khi ánh sáng hắt vào bề mặt gỗ mộc sẽ đẹp hơn. Văn hóa Việt giờ giữ được yếu tố mộc mạc quá khó vì đời sống quá phô trương. Sơn phủ tạo cảm giác lung linh, long lanh, chóe lọe rất phù hợp tâm lý người công đức và khiến mọi người trầm trồ. Đó là suy nghĩ của người không hiểu biết. Họ không hiểu rằng ở di tích, cách bài trí rất tinh tế, chỗ nào cần trầm thì rất giản dị, chỗ nào cần bóng lọng lên như hương án thì không bao giờ để mộc”, Trần Hậu Yên Thế nói. Nhiều nhà nghiên cứu nhiều lần lên tiếng bởi việc liên tục sơn thếp sẽ phá hỏng các chi tiết chạm khắc dẫn đến thảm họa không có cách gì khắc phục.
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến ký công văn số 921 hôm 28/3 gửi UBND huyện Gia Lâm, yêu cầu gửi báo cáo về Sở trước 10/4. Sở cũng yêu cầu huyện “đề xuất biện pháp xử lý những nội dung không đảm bảo yêu cầu của việc bảo quản, tu bổ di tích đã nêu. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng tu bổ của các gói thầu đang thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của công trình. Thực hiện việc nghiệm thu theo quy định tại Điều 15 Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội”.