Dịch giả, nhà giáo Phạm Toàn sinh năm 1932 tại Đông Anh, Hà Nội. Những năm 1960, ông sáng tác văn học và những biến động lịch sử khiến ông rời bỏ công việc sáng tác cho mãi tới đến những năm 2000 ông mới cầm bút trở lại. Những tác phẩm của ông như tập truyện ngắn: "Mái nhà ấm" (Văn học, 1959) "Con nhện vàng" (Thanh niên, 1962), tiểu thuyết Người Sông Mê (Hội Nhà Văn, 2003).
Ông cũng được độc giả yêu quý với những cuốn sách dịch chất lượng với bút danh Châu Diên như Chín mươi ba (V. Hugo, Văn học, 1982), Bay đêm (St-Ex, Văn học, 1986), Nhà tiên tri, Con trai của người, Vẻ đẹp đời (Kh. Gibral, Văn học, 1992), Sư tử (J. Kessel, Văn học, 1987), Cô chủ quán (K. Goldoni, Văn học, 1983), Ruồi (J. P. Sartre, Văn học, 1985)...
Những năm cuối đời Phạm Toàn dành tâm huyết cho giáo dục. Ông chủ trương thành lập nhóm làm sách giáo khoa Cánh Buồm, đã in khoảng 100.000 cuốn sách giáo khoa dạy tiếng Anh, tiếng Việt mới dành cho học sinh phổ thông, được nhiều trường sử dụng.
Khác với phần nhiều trí thức cách tân, Phạm Toàn là một người hết sức điềm đạm, nhẹ nhàng, chỉn chu. Cuộc đời ông không bao giờ ngừng học hỏi và ông rất tôn trọng lớp trẻ, thường lắng nghe ý kiến của họ và trao đổi như những người bạn không nề hà tuổi tác. Bởi vậy, cộng tác với ông có rất nhiều trí thức trẻ tâm huyết với đất nước.
Các nhà trí thức, học giả, giới nghiên cứu giáo dục đều chia sẻ sự tiếc nuối khi biết tin nhà văn nhà giáo Phạm Toàn qua đời. Một trái tim tâm huyết đã ngừng đập, sau khi nó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều độc giả và các bạn trẻ.