Dịch COVID-19: Kiến nghị cho người vay tiền mua nhà được giãn tiến độ trả nợ

TPO - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, các ngân hàng thương mại nên xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trong văn bản gửi Thủ tướng và cơ quan chức năng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng các thông tư, Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua chưa xác định bất động sản là lĩnh vực cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng.

Đơn cử, Chính phủ cũng ban hành các Nghị quyết 41/NQ-CP và Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 14/2/2020, làm cơ sở để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 300.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội nhằm không để người nào bị bỏ lại phía sau. Gói 3.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội. Giãn tiến độ nộp bảo hiểm xã hội đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch…

Dịch COVID-19: Kiến nghị cho người vay tiền mua nhà được giãn tiến độ trả nợ ảnh 1 Theo HoREA các ngân hàng thương mại nên cho người vay mua nhà ở được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả nợ để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Do vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Cụ thể, Nghị định 41/2020/NĐ-CP “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất” nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Đối với doanh nghiệp, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu, thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Dịch COVID-19: Kiến nghị cho người vay tiền mua nhà được giãn tiến độ trả nợ ảnh 2 Theo đánh giá, trong bối cảnh hiện nay cần các chính sách hỗ trợ trong đó gười mua nhà cần được giãn tiến độ trả nợ vay ngân hàng trong dịch COVID-19.

Hiện nay, nếu cá nhân, hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất để hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, thì khoản tiền này có giá trị rất lớn, trong lúc hầu hết các cá nhân, hộ gia đình đều khó khăn và đang phải vất vả đối phó với đại dịch. 

Do vậy, HoREA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3-6/2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có Thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Đề nghị xem xét cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

HoREA cũng đề nghị cho doanh nghiệp được giãn tiến độ 5 tháng đối với các khoản thu thuế phát sinh từ những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP mà doanh nghiệp chưa nộp, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP (có hiệu lực), để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...