Lúa ở Quảng Nam bị mắc bệnh rầy nâu |
Tại Thái Bình - vựa lúa của châu thổ sông Hồng, dịch bệnh đang đe dọa nghiêm trọng vụ lúa đông - xuân.
Theo ông Nguyễn Hữu Rong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình, hiện toàn tỉnh có khoảng 35.000 ha (trong tổng diện tích lúa đông - xuân 81.600 ha) nhiễm bệnh đạo ôn trên lá; trong đó, 41 ha lúa đã lùn lụi (nhiễm rất nặng). Cũng theo ông Rong, mặc dù đây chỉ là đợt dịch theo chu kỳ hằng năm nhưng năm nay lại có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết năm nay sẽ ấm hơn mọi năm nhưng khả năng cuối tháng 4 đầu tháng 5/2007 lại có những đợt rét bất thường kèm theo mưa, rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển.
Thời điểm đó lại đúng lúc lúa đông - xuân trổ đòng nên rất dễ gây bệnh đạo ôn trên cổ bông, ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến sản lượng lúa.
Ngay từ cuối tháng 2/2007, phát hiện bệnh đạo ôn trên lá tại các huyện Vũ Thư và Thái Thụy, ngành NN&PTNT Thái Bình đã tiến hành khảo sát và áp dụng các biện pháp hóa học can thiệp.
Tuy nhiên, do mầm bệnh đạo ôn dễ dàng lây nhiễm các vùng khác theo chiều gió nên khả năng dập dịch rất khó khăn.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, do mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí cao, số giờ nắng thấp nên dịch bệnh hại lúa phát triển mạnh. Tại các xã Tân Minh, Nam Sơn, Bắc Phú, Tân Hưng (huyện Sóc Sơn), bệnh đạo ôn trên lá phát sinh cục bộ trên trà lúa sớm và chính vụ (các giống lúa bị nhiễm nhiều: Nếp, DT10, Xi23…).
Tại xã Đại Mỗ (Từ Liêm), xuất hiện bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 1, sâu đục thân, ốc bươu vàng. Tại nhiều xã khác, sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, bọ nhảy… phát sinh, gây hại trên nhiều loại hoa màu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nói: “Nguy cơ sâu bệnh ảnh hưởng năng suất trên trà lúa xuân là hiện hữu. Nếu không có biện pháp kịp thời thì rất có thể sản lượng lúa xuân năm nay sẽ giảm mạnh”.
Chống dịch kể cả ngày nghỉ
Ngoài các tỉnh châu thổ sông Hồng, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, bệnh đạo ôn trên lá cũng đang hoành hành.
Trao đổi với phóng viên chiều 9/4, ông Nguyễn Quang Minh - Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV- Bộ NN&PTNT) tỏ ý lo ngại trước sự tấn công của nhiều loại sâu bệnh hại lúa trên địa bàn cả nước.
Ông Minh nhấn mạnh: “So với năm ngoái, năm nay bệnh đạo ôn trên lúa ở các tỉnh Bắc miền Trung và châu thổ sông Hồng nặng hơn năm ngoái, đe dọa nghiêm trọng sản lượng lúa, nhất là khi lúa sắp trổ đòng mà thời tiết lại thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển”.
Bệnh rầy nâu, dịch vàng lùn và lùn xoắn lá cũng đang có xu hướng phát triển mạnh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu đã có hơn 4.600 ha lúa xuân - hè và hè - thu sớm nhiễm vàng lùn và lùn xoắn lá. Trên trà lúa hè - thu, diện tích nhiễm rầy nâu gần 9.000 ha.
Cục trưởng Nguyễn Quang Minh cảnh báo: “Nếu không kịp thời trừ diện tích nhiễm rầy nâu này thì nguy cơ lây lan và bùng phát dịch vàng lùn và lùn xoắn lá rất cao. Nhất là thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5/2007, bà con bắt đầu gieo sạ lúa hè - thu đúng vào lúc thời tiết bất thường sẽ khó tránh khỏi sự ảnh hưởng của rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá”.
Ông Minh cho biết thêm, sau khi trực tiếp đi kiểm tra tình hình dịch bệnh hại lúa tại các tỉnh phía Nam, Cục BVTV thấy khó khăn nhất là các địa phương và các cán bộ chuyên môn cấp cơ sở chưa thực hiện chặt chẽ việc giám sát dịch bệnh nên phát hiện dịch chậm, bất lợi cho việc phòng trừ.
“Sắp tới, các lãnh đạo và cán bộ chuyên môn ngành Thú y từ cấp trung ương đến cấp tỉnh sẽ không được nghỉ bất cứ ngày nào để tập trung kiểm tra, giám sát và phòng chống dịch” - Ông Minh khẳng định.