Vào mùa sớm
Trong một tuần trở lại đây, khoa Nhiem- Thần kinh BV Nhi đồng 1 TPHCM quá tải khi trẻ mắc bệnh TCM gia tăng. Từ 80-100 ca/ngày cách đây khoảng 1 tháng, hơn một tuần nay có ngày lên đến 160 ca nhập viện. “Khoảng 40% trẻ ở TPHCM, còn lại là các tỉnh chuyển về. Đa số các em mắc bệnh ở thể nhẹ.
Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp mắc độ 3-4 do nhập viện quá muộn, nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh phải nằm cấp cứu”- bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết.
Cũng theo bác sĩ Khanh, thống kê cho thấy, từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm, dịch TCM vào mùa nhưng hơn hai tuần nay số ca đã tăng nhanh, điều này chứng tỏ dịch năm nay đến sớm.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt- Trưởng khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 2 cho hay, khoa có 120 trẻ mắc TCM đang điều trị, trong đó có nhiều ca nặng do biến chứng phải thở máy.
Theo bác sĩ Việt, số trẻ mắc TCM nhập viện diễn ra quanh năm nhưng thường gia tăng đột ngột vào đỉnh dịch từ tháng 3-5 và tháng 9-12. Tại BV Nancy ở quận 1 trong sáng qua 12-8 cũng có hơn 200 trẻ được thăm khám, trong đó có không ít trẻ bị TCM.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng- Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết không chỉ TCM mà bắt đầu từ tháng 7, số trẻ mắc SXH cũng gia tăng nhanh chóng.
“Mỗi ngày có hơn 40 trường hợp mắc SXH nhập viện điều trị, trong đó có hơn 30 ca là trẻ em”- bác sĩ Dũng thông tin.
Tại khoa SXH của BV Nhi đồng 1 mỗi ngày cũng có hơn 120 trẻ nhập viện từ, chủ yếu từ 2 đến 11 tuổi. Do không còn giường, rất nhiều trẻ phải nằm ngoài hành lang.
Còn tại Khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 2, số trẻ mắc nhập viện điều trị khoảng 30 trẻ/ngày. Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, ngoài hơn 400 ca mắc TCM được phát hiện trong tuần qua, hiện mỗi tuần cũng có khoảng 300 ca SXH mắc mới.
Đánh giá về hai dịch bệnh này, bác sĩ Thọ nói: Bệnh TCM đang đến sớm và nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, nguy cơ bệnh tấn công vào trường học như năm học 2011 là rất lớn.
Lo ngại cho trường học
Theo thống kê từ Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến tháng 6 vừa qua, toàn thành phố có đến 8 trường học có học sinh mắc TCM từ 3 ca trở lên. Trong khi đó, bác sĩ Lê Minh Hùng- Phó phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM cho biết, chỉ có 15% trẻ mắc TCM được điều trị ở bệnh viện, còn lại điều trị tại nhà và phòng mạch tư nhân.
Vì vậy theo bác sĩ Hùng, việc kiểm soát bệnh ở nhà là rất quan trọng, vì trẻ đi học sẽ mang theo mầm bệnh và dễ lây lan.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, không thể chủ quan vì trẻ mắc TCM rồi nhưng vẫn có thể mắc TCM lại do virus TCM có nhiều dòng. Vì vậy phụ huynh và nhà trường phải có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh nhằm tránh lây lan.
“Khi phát hiện trẻ bệnh, cần cách ly trẻ từ 7 - 10 ngày và đưa đến BV điều trị chứ không đưa trẻ đến trường, dễ lây lan cho các bạn cùng lớp”- bác sĩ Khanh khuyến cáo. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cũng cho rằng, thời điểm dịch TCM năm nay lại trùng với đợt khai trường nên cần sự phối hợp giữa nhà trường và ngành y tế lẫn phụ huynh. “Chúng tôi đang phối hợp với ngành giáo dục để tập huấn cách phòng bệnh TCM”- bác sĩ Thọ cho biết.
Tránh tình trạng như năm học 2011-2012 hàng loạt trường học trong cả nước đã bị đóng cửa do TCM bùng phát, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các sở giáo dục địa phương tăng cường phòng, chống bệnh dịch trước ngày tựu trường.