Địa phương nhóm 'nguy cơ thấp' dịch COVID -19 cũng không an toàn

Bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 chữa bệnh cho bệnh nhân mắc Covid-19 Ảnh: Mạnh Thắng
Bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 chữa bệnh cho bệnh nhân mắc Covid-19 Ảnh: Mạnh Thắng
TP - PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, những địa phương được xếp vào nhóm nguy cơ thấp không có nghĩa là an toàn với COVID-19. 

Không lơ là, chủ quan

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh, các vấn đề về dân số, giao thông và đặc biệt là có nhiều người nước ngoài đến, nhiều ca lây nhiễm…

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chia làm 3 nhóm gồm: nguy cơ cao; có nguy cơ và có nguy cơ thấp.

Nhiều người dân hiểu nguy cơ thấp là đã an toàn với dịch COVID-19. Trả lời câu hỏi các địa phương này có thể an toàn với dịch bệnh hay chưa, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định: “Cả nước đều đang có nguy cơ, không có nơi nào được coi là an toàn, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh COVID-19”.

Theo PGS Phu, để xếp nguy cơ của các địa phương Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các chuyên gia đã dựa trên các yếu tố nguy cơ để xây dựng các điểm số, theo một tính toán khoa học. Thủ tướng cũng đã khẳng định các nhóm này không phải là bất biến, mà động, luôn có thể thay đổi. Địa phương đang ở nhóm nguy cơ thấp có thể thành nguy cơ trung bình, thậm chí là nguy cơ cao. “Nguy cơ thấp là vì thời điểm này địa phương đó ít có yếu tố dịch bệnh xâm nhập, không phức tạp như Hà Nội và TPHCM nhưng chỉ cần phát hiện một ca bệnh phức tạp thì nguy cơ này có thể thay đổi. Bất kỳ chỗ nào lơ là, chủ quan, dịch bệnh đều có thể xuất hiện”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Đơn cử như hôm qua khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã đưa Hà Giang từ nhóm nguy cơ thấp chuyển lên nhóm nguy cơ cao.

Ông Phu khuyến cáo người dân, kể cả ở 36 địa phương nguy cơ thấp không được nghĩ là mình an toàn, không có nguy cơ, không được chủ quan. Đồng thời tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay: đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già; khai báo y tế.

Các địa phương, dù là nhóm nguy cơ thấp cũng cần luôn luôn cảnh giác phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch sớm, không để bùng phát. Các chuyên gia y tế cho biết, dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện bước sang giai đoạn mới, lây lan trong cộng đồng. Nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không triệu chứng hoặc rất nhẹ, được phát hiện qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.

Chuẩn bị mọi tình huống

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: “Đến giai đoạn này, chúng ta phải tập trung phát hiện những ca bệnh dương tính trong cộng đồng, xác định đó là một ổ dịch. Từ đó, các cơ quan chức năng tập trung phát hiện những ca tiếp xúc, tiếp xúc gần, ca có quan hệ liên quan để tìm người có khả năng mắc bệnh, áp dụng tất cả các biện pháp khoanh vùng, dập dịch kể cả khoanh vùng, phong tỏa, cách ly một cộng đồng cũng phải làm để ổ dịch không bùng phát, giải quyết được đốm cháy để nó không thành đống lửa lớn mới là quan trọng. “Vì thế, việc giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng. Người bị sốt, ho đều phải khai báo y tế, để được xét nghiệm. Đa số các trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ nhưng một số trường hợp vào viện đã diễn biến nặng nhanh”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Địa phương nhóm 'nguy cơ thấp' dịch COVID -19 cũng không an toàn ảnh 1 Cách ly y tế tại thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) Ảnh: Mạnh Thắng

Chiều 16/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở các địa phương, nhất và các địa phương trọng điểm, địa phương có đường biên giới đường bộ; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh trước đại dịch ở 63 tỉnh, thành.

Đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương; nghiên cứu đề xuất cụ thể các ngưỡng phản ứng dựa trên số ca nhiễm, số người chết và tốc độ lây lan dịch bệnh và phương án ứng phó phù hợp với từng ngưỡng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống. 

MỚI - NÓNG