Đến tháng 8/2018, Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố Hà Nội, đánh giá chủ đầu tư chưa tự nguyện tổ chức phá dỡ. Cho nên đề nghị chỉ định đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công phá dỡ giai đoạn 2.
Trước đó, việc phá dỡ giai đoạn 1 công trình sai phép 8B Lê Trực gồm tầng 19 và tum thang, UBND TP. Hà Nội cho hay đã được tiến hành từ tháng 11/2015 đã hoàn thành, đảm bảo an toàn.
Được biết, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m, nhưng thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao, xây thêm tầng 19. Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.
Như Tiền Phong đã thông tin, trước đó, Công ty Cổ phần hạ tầng Phương Bắc - đơn vị thực hiện tháo dỡ phần vi phạm của công trình 8B Lê Trực (giai đoạn 1) có văn bản cung cấp hồ sơ thiết kế phá dỡ (giai đoạn 2) do cty TNHH tư vấn Đại học Xây Dựng là đơn vị thiết kế tòa nhà được mời thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 lập.
Công ty Cổ phần hạ tầng Phương Bắc cho rằng, việc phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực vô cùng khó khăn do công trình có kết cấu phức tạp. Thậm chí, việc phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực buộc phải phá bỏ cả tòa nhà.
"Việc phá bỏ cả tòa nhà rất lãng phí tài sản xã hội, chúng tôi được biết hiện nay chưa có văn bản, quy định nào cho phép phá bỏ cả tòa nhà. Nếu công trình không trình không làm ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, đề nghị cho đo đạc toàn bộ số m2 sai phạm giai đoạn 2, yêu cầu chủ đầu tư mua lại bằng giá giao dịch bán căn hộ đã ký với người dân nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước...", đơn vị này đề xuất.