Bị thu phí cao, dân mang xe lên nhà để
Tuần qua, một trong những phản ứng của cư dân sinh sống tại khu chung cư cao cấp 203 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là đưa xe máy lên nhà để trước mức phí quá cao, quá bất hợp lý.
Theo thông báo việc thu phí xe máy lượt ban ngày là 3.000 đồng, tối tính đến 22h00 là 5.000 đồng/lượt. Sau đó, từ 22h00 đến 6h00 là 30.000 đồng/lượt. Đối vé tháng xe máy là 45.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mỗi hộ gia đình chỉ được đăng ký gửi 2 xe tính phí tháng như trên. Nếu có xe thứ 3, phải tính phí 30.000 đồng/đêm.
Đại diện hộ dân ở đây cho rằng, mức phí như trên là không đúng theo quy định của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, khung giờ quy định mức phí tối – qua đêm cũng không đúng theo quy định. “Một ngày rưỡi tôi phải trả 73.000 đồng, trong khi chiếc xe máy của gia đình tôi bán đi chưa chắc đã được 1 triệu đồng. Sống ở chung cư cao cấp mà tôi phải dắt xe vào thang máy rồi đưa lên nhà”, một cư dân cho hay.
Thất thu 6.000 tỷ đồng từ sai phạm: Nhiều ‘ông lớn’ BĐS bị nêu tên
Tuần qua, Thanh tra Chính phủ đã ký ban hành Thông báo kết luận Thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123 của UBND TP Hà Nội (giai đoạn từ 2002 đến 2014).
Trong đó đề nghị UBND TP Hà Nội có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân liên quan. Đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Theo kết luận, hầu hết dự án ở giai đoạn này UBND TP Hà Nội xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, đưa vào một số khoản chi không đúng quy định pháp luật, như: chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng… để giảm trừ. Điều này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, trong khi ngân sách nước bị thất thu ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.
Nhiều 'ông lớn' BĐS bị nêu tên trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. (Ảnh khu nhà cao tầng An Bình thuộc khu Thành phố giao lưu được điều chỉnh từ khu đất công cộng)
Điều đáng nói, trong danh sách các dự án, khu đô thị được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra với đủ kiểu sai phạm, vi phạm, với nhiều gương mặt của những ‘ông lớn’ trong giới BĐS hiện nay của Hà Nội. Đơn cử, dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ do Cty Vinaconex 2 (Vinaconex 2) hợp tác với Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.
Dự án Khu nhà ở tại số 628 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê và nhà chung cư cao cấp FLC Landmark Tower của Cty TNHH một thành viên FLC Land; Dự án thành phố Giao lưu do Cty CP Đầu tư xây dựng Quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư; Khu đô thị Xa La của Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên; Dự án, khi xây dựng xong tòa nhà chung cư cao tầng có ký hiệu NO- 10 thuộc KĐT mới Dịch Vọng của Cty CP Tập đoàn Hà Đô; Cty CP Thanh Bình, chủ đầu tư dự án KĐT Dịch Vọng…
Không phải có chung hộ khẩu là được ghi tên trong 'sổ đỏ'
Tranh cãi xung quanh quy định ghi tên các thành viên trong gia đình lên sổ đỏ
Liên quan đến quy định phải ghi tên các thành viên trong gia đình trên sổ đỏ, theo ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), việc ghi tên các thành viên gia đình trong sổ đỏ không căn cứ vào sổ hộ khẩu gia đình. Ai có quyền sử dụng đất mới được ghi tên vào sổ đỏ.
Ông Phấn cho biết, Luật Đất đai hiện nay có 17 hình thức ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc ghi tên hộ gia đình chỉ là một trong số 17 hình thức này. Tóm lại Thông tư 33/2017 hướng dẫn thực hiện Luật, đi vào bản chất hơn là ghi thành viên có quyền sử dụng đất vào giấy chứng nhận (sổ đỏ) mà thôi.
Theo ông Phấn, mấy ngày qua dư luận và nhiều người đang hiểu chưa đúng, cứ tưởng là thành viên trong hộ gia đình là được ghi tên lên sổ đỏ hộ gia đình, nhưng không phải thế. “Thực tế việc ghi tên các thành viên gia đình trong sổ đỏ không căn cứ vào sổ hộ khẩu gia đình. Ai có quyền sử dụng đất mới được ghi tên vào sổ đỏ”, ông Phấn phân tích.