Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động ở công trình xây dựng

TPO - Chưa đầy 1 tuần, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 3 vụ tai nạn lao động liên quan đến các công trình xây dựng trong đó có vụ gây chết người. Điều này, khiến dư luận không khỏi lo lắng trước nguy cơ mất an toàn lao động và các ẩn họa "treo lơ lửng" từ các công trình đang thi công.
Nhiều người dân ở phố Nguyễn Công Trứ  phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra tại công trình xây dựng khác sạn số nhà 16A ngày 30/7 đã khiến 4 công nhân tử vong.
Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động ở công trình xây dựng ảnh 1 Vụ tai nạn lao động tại công trình số 16A Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) khiến 4 công nhân tử vong.
Theo đó, trong lúc nhóm công nhân đang vận chuyển tấm vách bằng thang treo đến khu vực tầng 6-7 tòa nhà cao tầng thì xảy ra vụ tai nạn lao động khiến nhóm người trên rơi xuống đất. Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về an toàn lao động".
Chỉ sau vài ngày, một vụ tai nạn hi hữu xảy ra tại ngõ 2A phố Văn Cao (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) vào ngày 3/8.  Theo đó, thời điểm trên, một người đàn ông bị một chiếc xe rùa (loại xe dùng vận chuyển vật liệu xây dựng) từ tầng 5 một ngôi nhà đang sửa chữa, cải tạo rơi trúng người.  Theo người dân, sau khi bị chiếc xe rùa rơi trúng, người đàn ông tự ngồi dậy và không nhớ được tên tuổi và địa chỉ nhà của mình. 
Hay mới đây nhất hôm 4/8, tại công trình xây dựng trụ sở làm việc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở ngã tư Hàng Vôi – Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm), khi công nhân đang làm việc thì bất ngờ một thanh sắt dài khoảng hơn 1m từ công trường này rơi đâm xuyên từ trên nóc qua kính chắn gió của xe ô tô đang lưu thông phía dưới khiến nhiều người đi đường một phen khiếp vía. Rất may, tài xế ô tô thoát chết.
Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động ở công trình xây dựng ảnh 2 Thanh sắt rơi từ công trình xây dựng ở Hàng Vôi (quận Hoàn Kiếm) xuống đâm thủng nóc ô tô.
"Chỉ chưa đầy 1 tuần, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động từ các công trình xây dựng. Điều này khiến dư luận lo lắng cho rằng, phải chăng việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng đang bị thả nổi”, ông Lê Minh Quốc-người dân ở Hai Bà Trưng tâm sự. 
Trao đổi với PV, một vị cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng, nhưng tập trung chủ yếu là việc đơn vị thi công che chắn không đảm bảo yêu cầu, thiếu biển báo, thiết bị cảnh báo người qua đường, ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của chủ đầu tư và người lao động còn hạn chế... Đặc biệt, là việc nhiều công nhân không được đào tạo, hoặc đào tạo sơ sài về an toàn lao động. 
Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, có 3 vấn đề gây mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng: Thứ nhất là ý thức của người lao động, thứ hai là ý thức của chủ thầu và cuối cùng là việc quản lý của cơ quan nhà nước. 
“Chính quyền địa phương, phường xã, quận huyện sẽ nắm rõ nhất các công trình xây dựng trên địa bàn. Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Luật cũng đã quy định về vi phạm an toàn lao động nghiêm trọng dẫn đến người có thể khởi tố vụ án để xử lý. Tuy nhiên, tai nạn nhiều nhưng xử lý theo luật chỉ tính trên đầu ngón tay”, ông Dưỡng nói.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Theo Thông tư 04/2017/TT-BXD, của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng công trình, nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính trong quá trình thi công xây dựng.

Cụ thể, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về ATLĐ, kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường; tổ chức bộ phận quản lý ATLĐ theo quy định và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về ATLĐ đối với phần việc do mình thực hiện; nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình; dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất ATLĐ…

MỚI - NÓNG