Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng (ngày 2/8), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh thế giới biến động rất khó lường về địa chính trị, thương mại và càng ngày càng trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, Nhà nước đang làm nhiệm vụ “kép” trong phát triển kinh tế. Một mặt, phải tạo mô hình tăng trưởng mới, động lực mới nhưng mặt khác phải giải quyết các tích tụ yếu kém của rất nhiều năm trước.
Về giải pháp cho cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực đề nghị các bộ, địa phương tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó, Bộ Tài chính nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết số 19 và 35 của Chính phủ.
Về động lực phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng báo cáo phải đề cập tới phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng chiến lược, chính sách phát triển đô thị với các “đầu tàu” kinh tế; tăng cường thể chế về liên kết vùng; bổ sung chỉ số khung đánh giá kinh tế-xã hội nhất là các chỉ số đánh giá chất lượng tăng trưởng…
Nói thêm về việc Việt Nam cần có chiến lược, chính sách phát triển các đô thị, Phó Thủ tướng nêu thực trạng đô thị Việt Nam chưa gắn với phát triển công nghiệp mà chỉ theo quy hoạch dân cư.
Do vậy, việc áp dụng hình thức đầu tư BT (Xây dựng-Chuyển giao) hiện nay chỉ làm cho đô thị phát triển méo mó, tạo ra xung đột lớn giữa người dân và chủ đầu tư trong thu hồi đất. Tại các quốc gia phát triển, 70% việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế là từ đô thị.
Tại Việt Nam, một số địa phương đã bắt đầu phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp hay trung tâm sáng tạo như Becamex Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…
“Xây dựng nông thôn mới để chúng ta phát triển bền vững, nhưng để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa thì cần phải phát triển đô thị”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.