Di sản thế giới liên vùng Hạ Long - Cát Bà: Bảo vệ, phát huy giá trị

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới mang đến sức hút cho hai viên ngọc quý. Tuy nhiên để di sản tạo bứt phá, trở thành điểm nhấn nổi bật cho du lịch Việt Nam, chính quyền hai địa phương cần có sự hợp tác toàn diện, hài hòa lợi ích chung trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng sinh học của vùng biển này.

Không mạnh ai nấy làm

Không thể phủ nhận cơ hội vàng về phát triển du lịch khi Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới cùng với Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, các nhà quản lý và chuyên gia nhiều lần chỉ ra nút thắt cần tháo gỡ, để Quần đảo Cát Bà có thể bứt phá trong những năm tới. Câu chuyện hợp tác, liên kết vùng giữa Hạ Long và Cát Bà là điều quan trọng hơn cả nhằm góp phần đưa danh tiếng di sản này lan tỏa hơn nữa.

Di sản thế giới liên vùng Hạ Long - Cát Bà: Bảo vệ, phát huy giá trị ảnh 1

Hạ Long luôn hút hồn du khách Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hải Phòng cho biết, dấu mốc quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới là tin vui với những người làm du lịch. “Đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá, khai thác thương hiệu di sản trên phạm vi toàn cầu, phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội. Cùng với những chính sách mới, thông thoáng về visa, lượng khách du lịch quốc tế đến với Hạ Long, Cát Bà hứa hẹn tăng mạnh trong thời gian tới”, ông Tuấn Anh nhận định.

Quần đảo Cát Bà giàu tiềm năng thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Có được sự cộng hưởng của Vịnh Hạ Long, di sản thế giới liên vùng này tạo nên cảnh quan có một không hai trên thế giới. Tuy nhiên, địa phương cần biến tiềm năng về địa mạo, địa chất, đa dạng sinh học thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên biệt. Di sản rất cần sự quan tâm, đầu tư và phát triển, thay vì chỉ khoác lên “chiếc áo danh hiệu” bên ngoài.

“Lần đầu tiên Việt Nam có di sản thế giới liên vùng. Hạ Long và Cát Bà có khoảng cách không nhỏ về chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch. Bởi vậy, quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà cần có cơ chế quản lý, khai thác phù hợp và đồng bộ. Địa phương nên xây dựng được các sản phẩm du lịch (tua, tuyến, lễ hội) để du khách trải nghiệm hết vẻ đẹp của Cát Bà ở vị thế của di sản thiên nhiên thế giới. Đó phải là một hệ thống liên hoàn, chuyên nghiệp từ cơ sở vật chất, nhân lực và đậm đà màu sắc văn hóa”, ông Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chắt chiu bảo tồn di sản

PGS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam cho rằng, Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới đã lâu khiến việc đầu tư, khai thác du lịch tại đây rất bài bản, hợp lý, đem lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, đối với Quần đảo Cát Bà lần đầu tiên được công nhận cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng hơn cả. “Đảo Cát Bà - đảo đá vôi lớn nhất của Việt Nam - chính là ưu điểm, sự khác biệt của Cát Bà và Vịnh Hạ Long. Các đảo thuộc Vịnh Hạ Long nhỏ, ở Cát Bà có đảo lớn có đường ô tô và có thể khai thác nhiều loại dịch vụ du lịch ngay trên đảo. Nếu địa phương phối hợp tổ chức, khai thác hiệu quả sẽ đem lại nguồn thu lớn”, PGS.TS Tạ Hòa Phương nêu.

Khai thác tiềm năng từ di sản nhưng không thể bỏ quên nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn di sản, vì thế nỗi lo ô nhiễm nguồn nước biển là vấn đề hai địa phương này cần quan tâm, chú trọng trong quy trình hợp tác phát triển một cách bài bản, dài hơi. PGS.TS Tạ Hòa Phương cho rằng, mật độ du thuyền dày đe dọa đến nguồn nước biển và hệ sinh thái biển nơi đây, đặc biệt sau khi di sản mở rộng thêm Quần đảo Cát Bà khiến giao thông đường thủy ngày càng tấp nập. Ông cho rằng, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn với các du thuyền, cam kết không thải dầu ra biển, đe doạ nguồn nước và hệ sinh thái biển.

“Dù khai thác, hoạt động thế nào thì việc gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học là không được. Cần phải có chính sách, sự hợp tác để không chỉ phát huy giá trị di sản mà đồng thời phải bảo vệ được quần thể sinh vật, đa dạng sinh học nơi đây”, PGS.TS Tạ Hòa Phương nhấn mạnh.

Ông Trương Minh Tiến, Ủy viên BCH Hội di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội đề xuất, Chính phủ xây dựng cam kết về quản lý, phát huy giá trị di sản thế giới liên vùng đầu tiên này với UNESCO. “Chính phủ cần xây dựng chương trình hành động để quản lý, bảo vệ, phát huy di sản. Hai địa phương phải thực hiện theo chương trình hành động này. Thành phố Hải Phòng cần có kế hoạch thực hiện đảm bảo đúng cam kết, phát huy tối đa vị thế của di sản”, ông Trương Minh Tiến chia sẻ.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thế giới liên vùng đầu tiên đòi hỏi sự phối hợp nhuẫn nhuyễn của hai địa phương để vừa phát huy lợi ích kinh tế vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

MỚI - NÓNG