Dị nhân đất cù lao

TP - Khởi nghiệp khi mái đầu đã bạc, ông Sáu Tia (Nguyễn Văn Tia) thành công với thương hiệu rượu mận Sáu Tia nổi danh khắp vùng. Không chỉ thế, ông Sáu còn nổi danh là một dị nhân ở đất cù lao Tân Lộc giữa dòng sông Hậu.
Ông Sáu Tia đang đóng nút chai bằng máy. Ảnh: Hòa Hội.

Trong một diễn đàn về sáng tạo khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ ở thành phố Cần Thơ hồi cuối tháng 8 vừa rồi, giữa những mái đầu xanh đang sôi nổi thảo luận, bỗng xuất hiện một vị khách cao niên, đầu bạc trắng, tay xách cặp bước vào và khiêm nhường ngồi ở góc phòng lắng nghe các diễn giả nói chuyện khởi nghiệp. 

Bà Nguyễn Mỹ Thuận-Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ giới thiệu, vị khách đặc biệt đó là ông Nguyễn Văn Tia - Giám đốc Cty TNHH MTV Sản xuất rượu mận Sáu Tia nổi tiếng xứ cù lao Tân Lộc ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. “Nghe hôm nay có diễn đàn khởi nghiệp, tôi tranh thủ trên đường đi giao hàng cho Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ ghé dự để học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức” - ông Sáu Tia, vị khách không mời chia sẻ.

Khởi nghiệp tuổi xế chiều

Ông tâm sự, mười năm trước, khi ở tuổi 60 ông bắt đầu khởi nghiệp. Cù lao Tân Lộc, nơi ông ở có rất nhiều mận. Bản thân ông và người dân trong vùng trồng mận trúng mùa nhưng luôn bị thảm cảnh rớt giá, rẻ như bèo. Đó là điều khiến ông trăn trở tìm hướng đi cho sản phẩm của quê hương được vươn xa.

“Trong lần ra thăm vườn, tôi thấy mận rụng trắng ao và đang sủi bọt. Trong tôi chợt lóe lên ý tưởng lên men rượu từ mận. Đặc biệt là lên men tự nhiên không dùng đến hóa chất độc hại”, ông Sáu Tia bộc bạch. Sau đó, ông nhặt vài quả mận lên vắt nhuyễn lấy nước rồi bỏ vào hũ ủ thử. Sau một tuần, ông mở xem thử và ngạc nhiên khi có vị cay nồng. Từ đó, ông quyết tâm chế bằng được loại rượu mang hương vị đặc trưng của xứ cù lao Tân Lộc.

“Hành động hiến xác cho khoa học của ông Sáu Tia mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lúc sống, ông đã có ích cho xã hội, khi chết tình nguyện hiến xác càng thêm ý nghĩa, đáng để mọi người noi theo”.

Ông Ngô Anh Dũng

Trưởng khu vực 

Tân Mỹ 2, phường Tân Lộc

Tuy nhiên, con đường nghiên cứu của ông không hề dễ dàng. Ông kể, mất cả trăm lần lên men ủ thử nghiệm, thậm chí phải mua cả rượu ngoại về thử rồi so sánh…. tốn gần 2 tỷ đồng nhưng đều thất bại. Ban đầu làm ra bị khách chê là gắt khó uống.


Sau đó, ông lặn lội lên Sài Gòn tìm kỹ sư xuống hướng dẫn cách làm cho mùi vị dịu lại. Nghe theo lời kỹ sư, ông đầu tư hàng trăm khạp chứa đầy rượu để chưng cất, nhưng khoảng nửa năm ông thử mở ra xem thì rượu đã bay hơi còn một nửa. Thấy không ổn, ông nghĩ, nếu nghe theo lời kỹ sư hoặc ngâm đến 6 năm thì biết mình còn sống đến lúc đó không, nên ông tiếp tục mày mò tìm cách khác. 

Vừa làm vừa học hỏi, hơn một năm sau ông phát hiện ra cách mồi men cho rượu bằng mạch nha lên men và pha với tỉ lệ thích hợp thì mất khoảng nửa năm là rượu ngon bình thường. Ông Sáu Tia tiết lộ, cách làm cũng tương tự như rượu thường nhưng bí quyết là ở chỗ mồi men mạch nha và tỷ lệ pha trộn. “Đặc điểm của rượu làm bằng trái cây là có mùi thơm tự nhiên, không hóa chất lại hỗ trợ được tiêu hóa”- ông Sáu Tia chia sẻ.
 

Cháu nội mừng ông Sáu Tia đi giao hàng về. 

Mất mấy năm trời và đầu tư tiền tỷ để nghiên cứu và cho ra đời loại rượu mình tâm đắc là điều ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, ông phải trải qua một hành trình hết sức gian truân, từ việc lo các thủ tục như xin giấy phép kinh doanh, đến xây dựng thương hiệu và chứng nhận... 

Ông kể, chỉ nói riêng chuyện đăng ký logo, thay vì chỉ cần đăng ký một lần rồi dán vào sản phẩm của mình đem đi tiêu thụ là xong, nhưng cơ quan chức năng yêu cầu mỗi loại chai rượu là một logo phù hợp với kích cỡ loại chai đó. Hiện tại, ông có trên 5 mẫu chai khác nhau nên buộc ông phải xin giấy phép 5 kích cỡ logo khác nhau, tốn thêm nhiều thời gian, chi phí.

Rồi ông phải mua 3 ống thủy đo độ rượu ở 3 cấp khác nhau nhưng tất cả kết quả cũng chỉ đo đúng như nhau. Chưa kể, các giấy phép chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm… đến giờ tính ra cả chục ký giấy hồ sơ sản phẩm nhưng phải tuân thủ thôi.

Trên danh nghĩa là Cty nhưng ông vừa là chủ, vừa là giám đốc lo sản xuất, tìm thị trường, tiếp thị sản phẩm lại kiêm cả giao hàng… Mỗi năm doanh thu gần tỷ đồng nhưng chỉ có mỗi mình ông làm. 

Bà Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ Nguyễn Mỹ Thuận cho biết, rượu mận Sáu Tia là thương hiệu đặc sản của thành phố Cần Thơ. Hiện loại rượu này có mặt ở các hệ thống siêu thị Big C, Co.op mart, cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, các khu du dịch ở Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Trọng Ngọc- Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, trước đây, đời sống người dân ở xứ cù lao này còn nhiều khó khăn, cây trái thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá. Ông Sáu Tia là nông dân nhưng có suy nghĩ đột phá và nghiên cứu thành công loại rượu mang đặc trưng của xứ cù lao là mận An Phước. Sản phẩm rượu của ông đăng ký nhãn hiệu độc quyền và được nhiều người biết đến.

Hiến xác, tự cúng mình

Bốn năm trước, ông Sáu Tia một mình chạy xe gắn máy từ nhà đến trường Đại học Y Dược Cần Thơ đăng ký hiến xác để phục vụ nghiên cứu khoa học. 

“Chết đi rồi xác chôn dưới đất cũng bị vi khuẩn ăn, chẳng ích lợi gì lại còn gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, tôi quyết định hiến xác cho y học để các cháu sinh viên thực tập hoặc phục vụ nghiên cứu”-ông Sáu Tia nói. 

Ông chiêm nghiệm: “Con người là cát bụi, đến lúc chết đi rồi cũng trở về với cát bụi. Vì thế, lúc sống cống hiến hết mình, khi mất cũng phải làm việc gì đó có ý nghĩa cho xã hội”.  

TS.BS Nguyễn Văn Lâm- Phó Trưởng khoa Y, Trường đại học Y Dược Cần Thơ xác nhận, ông Sáu Tia đến đăng ký tự nguyện hiến xác để phục vụ cho y học và được nhà trường cấp giấy đăng ký cho ông vào đầu năm 2012. “Đây là hành động đẹp, cao thượng của cá nhân ông nói riêng và những người tự nguyện hiến xác nói chung”- TS Lâm nói.

Ông Sáu Tia đứng trước bàn thờ chính mình. 
Ông Sáu Tia sống trong căn nhà ngói ba gian cổ kính, hai bên là dãy nhà san sát nhau cùng với hàng cây xanh um giữa dòng sông Hậu. Nhiều người lần đầu bước vào nhà ông đều không khỏi giật mình bởi trên bàn thờ chính, ngoài hai di ảnh của cha mẹ ông đã mất, còn có 6 bức ảnh của ông, mỗi ảnh chụp một thời điểm và kiểu dáng khác nhau đặt sau bát hương. 

Ông cho biết, bàn thờ ông lập cách nay gần một năm. Hằng ngày, sáng sớm và chiều tối ông đều thắp nhang vái chính mình, còn chiều thì dọn mâm cơm lên cúng xong rồi ông lấy xuống ăn. “Ban đầu lập bàn thờ nhiều người trong ấp thấy lạ nói tôi bị “tâm thần”, nhưng sau khi tôi giải thích cặn kẽ ý nghĩa sâu xa của nó thì họ mới đồng cảm với việc làm của tôi”- ông nói, đồng thời lý giải: “Tôi làm như thế để người đời thấy rằng tôi vẫn sống bình an, khỏe mạnh và lo lao động”.   

Dưới mỗi bức ảnh thờ của ông đều có một câu mang ý nghĩa răn dạy của người đời. Ở bức ảnh ông chụp đầu đội mũ đen, mắt đeo kính còn thân người thủ thế hai nắm đấm được gắn dòng chữ: “Ăn chơi quậy tối đa, tía má nhìn không ra”. Một bức ảnh khác lại có dòng chữ: “Ráng tu thân tích đức, hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. 

Ông cho biết, tất cả điều ông muốn nói là khuyên con cháu ăn ở hiền lành, tránh ăn chơi sa đọa. Các bức ảnh còn lại muốn nói con đường phía trước còn gập ghềnh nhiều chông gai, nhằm nhắc nhở mình phải cố gắng vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Chồi- Bí thư Chi bộ khu vực Tân Mỹ 2 xác nhận sự kiện ông Sáu Tia lập bàn thờ thờ chính mình khiến nhiều người bàn tán và tự hỏi không biết ông này có vấn đề gì không. Nhưng khi hiểu ý nghĩa và suy nghĩ của ông, mọi người đều thấy có lý. “Ở đây ông sống hòa đồng và còn giúp đỡ nhiều người. Đặc biệt là giúp nông dân thu mua mận để chế biến rượu”-ông Chồi nói.